Banner

Lỗ hổng lớn trong thể thức EURO

Thứ hai, 24/6/2024 11:10 (GMT+7)

Cách lấy những đội thứ 3 thành tích tốt nhất vào vòng trong khiến đại diện ở các bảng thi đấu sớm chịu thiệt thòi.

Trong lượt trận cuối của bảng A diễn ra tối 23/6, Hungary giành chiến thắng 1-0 trước Scotland. Qua đó, họ xếp thứ 3 sau 3 lượt trận với 3 điểm. Với kết quả này, Hungary sẽ không biết bản thân sẽ đi tiếp hay bị loại với thể thức hiện hành của EURO 2024. Trong khi đó, các đối thủ ở bảng E,F biết rõ họ cần làm gì để được vào vòng 16 đội.

Đây là một trong những ví dụ đơn giản để thể hiện sự thiệt thòi của các đội phải đá vòng bảng sớm ở giải đấu.

Thể thức 24 đội thiếu công bằng

Theo The Telegraph, sự công bằng của thể thao phụ thuộc vào việc các đội được đặt vào một bộ quy tắc giống nhau. Nó bao gồm cả tương đồng về tiếp nhận thông tin. Ví dụ, lượt đấu cuối cùng luôn diễn ra cùng thời điểm nhằm đảm bảo không có đội nào biết trước kết quả của đối thủ cạnh tranh.

Tuy nhiên, những nguyên tắc này không được đảm bảo ở EURO các kỳ gần đây với 24 đội tham gia. Theo thể thức hiện tại, sau vòng bảng, 16 đại diện sẽ được vào vòng trong, gồm hai đội dẫn đầu mỗi bảng và 4 trong 6 đội xếp thứ 3 có thành tích tốt nhất.

Trận hòa 3-3 giúp Bồ Đào Nha đi tiếp ở EURO 2016 bằng vị trí hạng 3 bảng F.

Trong hai kỳ EURO gần nhất, đội hạng 3 ở bảng F với lợi thế lịch thi đấu đều vào vòng trong.

Năm 2016, Bồ Đào Nha hòa Áo và Iceland ở hai lượt đầu. Vì thi đấu cuối, họ biết chắc họ chỉ cần thêm một kết quả tương tự trước Hungary để chen chân vào vòng 16 đội bằng suất xếp thứ 3 thành tích tốt. Sau đó, đội bóng của Ronaldo có tỷ số 3-3 trước một Hungary chắc suất đi tiếp. Năm đó, Bồ Đào Nha giành chức vô địch.

Giả định vị trí bảng đấu nói trên là A chứ không phải F, toan tính của họ có thể đã khác đi. Một trận hòa trước Hungary sẽ chỉ giúp Bồ Đào Nha có tổng cộng 3 điểm. Nó không đủ an toàn khi vẫn còn 5 bảng chưa đấu. Mối nguy này có thể khiến họ thay đổi chiến thuật ở những phút cuối, tấn công dồn dập hơn thay vì chấp nhận tỉ số hòa. Điều này đồng nghĩa Bồ Đào Nha có nguy cơ bị thủng lưới và bị loại.

Nhưng nhờ việc nằm ở bảng F, họ không phải đứng trước những lựa chọn khó khăn như vậy. Điều tương tự lặp lại vào kỳ EURO 2020, bảng của Bồ Đào Nha thi đấu cuối và họ lại hòa, xếp thứ 3 để đi tiếp. Ở giải đấu đang diễn ra tại Đức, Ronaldo cùng đồng đội một lần nữa có lợi thế khi tiếp tục được xếp vào bảng F.

Đá trễ được lợi

Dữ liệu trong lịch sử chứng minh việc được thi đấu sau giúp tăng tỉ lệ đi tiếp đáng kể. Ngoài hai kỳ EURO gần nhất, 3 giải World Cup 1986-1994 cũng dùng mô hình 24 đội, lấy 16 vào vòng trong. Trong cả 5 lần được áp dụng, đội đứng thứ 3 của bảng F luôn đi tiếp.

3 kỳ EURO liên tiếp Ronaldo và đồng đội hưởng lợi khi biết trước kết quả các bảng đấu khác.

Thể thức nói trên cũng làm tăng nguy cơ các đội thông đồng, tìm kiếm kết quả có lợi. “Nếu trận đấu cuối diễn ra giữa hai đội cùng có 4 điểm sau hai lượt trận, họ dễ dàng hưởng lợi bằng cách thương lượng một trận hòa”, ông Alex Krumer, Giáo sư Kinh tế Thể thao tại Đại học Molde giải thích.

Luật lấy đội thứ 3 thành tích tốt có thể làm xảy ra sự việc tương tự “Nỗi ô nhục Gijon” World Cup 1982. Cụ thể ở trận cuối vòng bảng, Tây Đức (cũ) cùng Áo biết cả hai sẽ đi tiếp nếu Die Mannschaft thắng cách biệt ít hơn 3 bàn. Điều này gián tiếp khiến Algeria thi đấu trước đó một ngày bị loại. Kết quả là sau khi Tây Đức ghi bàn sớm, cầu thủ hai bên không còn muốn thi đấu, chỉ chuyền qua lại.

Ngoài ra, thể thức 24 đội của EURO cũng khiến vòng loại trực tiếp thiếu công bằng. Trong khi 4 đội nhất bảng được gặp các đội hạng 3, hai đội xếp đầu thiếu may mắn khi bốc thăm sẽ phải chơi với đối thủ xếp thứ hai ở bảng khác.

Các đội thi đấu sớm còn phải chờ đợi kết quả sau đó. Ví dụ, Hungary kết thúc ở vị trí thứ 3 bảng A sẽ phải chờ đợi ít nhất 72 giờ để biết bản thân bị loại hay được đi tiếp. Điều này khiến người hâm mộ cũng không thể lên kế hoạch theo dõi hay cổ vũ cho đội bóng yêu thích.

Vấn đề tương tự có thể bị lặp lại ở cấp độ World Cup. Từ 2026, giải đấu sẽ được nâng lên 48 đội tham gia. Thể thức tương tự EURO được áp dụng, với số lượng gấp đôi. 32 đội bước vào vòng loại trực tiếp, gồm hai đại diện đứng đầu các bảng cùng 8 trong 12 thành viên xếp thứ 3.

Những thể thức khác

Để giải quyết vấn đề công bằng, EURO có thể mở rộng lên 32 đội. Như vậy, việc chia bảng, cặp đấu và lấy thành tích dễ dàng hơn thể thức hiện tại. Luật 16 đội trong quá khứ của giải cũng không gặp những vấn đề này.

UEFA mở rộng Champions League và dùng biến thể của thể thức Thụy Sĩ cho giải từ năm sau. Phương pháp chia nhóm này cũng công bằng và giảm các tiêu cực dàn xếp kết quả, tránh những trận cầu không còn ý nghĩa quyết định đi tiếp/bị loại.

Champions Legue 2024-2025 sẽ chuyển sang thể thức Thụy Sĩ. Ảnh: The Athletic.

36 đội tham dự được chia thành 4 nhóm hạt giống. Mỗi CLB sẽ được bốc thăm để gặp hai đối thủ từ mỗi nhóm nói trên. Sau 8 lượt, 8 đội đứng đầu sẽ giành quyền vào vòng loại trực tiếp. Các đội xếp từ thứ 9 đến thứ 16 sẽ đá hai lượt với các đội đứng từ vị trí 17 đến 24 để xác định 8 suất còn lại.

Trong khi đó, luật Thụy Sĩ gốc được áp dụng trong môn cờ vua, eSports sẽ phân hạng dựa trên kết quả các lượt đấu. Những đội chung tỉ số sẽ gặp nhau, nhằm tìm ra các đại diện có đủ số trận thắng để đi tiếp, đủ lần thua bị loại.

Tuy nhiên, giải pháp này cũng tồn tại nhiều vấn đề, khó áp dụng ở EURO hay World Cup. Việc thi đấu với nhiều đối thủ từ các nhóm yêu cầu việc 24-48 đội tuyển phải di chuyển theo chế độ sân nhà - sân khách. Do vậy, nó chỉ phù hợp với các giải kéo dài như Champions League.

Trong khi đó, việc chia cặp theo kết quả buộc các đội phải thi đấu tại cùng địa điểm. Nó dễ dàng được áp dụng cho cờ vua, eSports. Tuy nhiên ở những sự kiện lớn như EURO, World Cup, thường tổ chức ở nhiều thành, phố quốc gia, thể thức này cũng không khả thi.

QC
Powered by mAds
Cùng danh mục
QC
Powered by mAds