Banner

Mở rộng 'danh sách trắng' để doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến

Thứ tư, 27/3/2024 07:41 (GMT+7)

Dù có giải pháp quản lý và danh sách website uy tín, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn bị cài cắm quảng cáo lên các nội dung vi phạm pháp luật.

Một số website nằm trong Black List của Bộ TTTT, đề nghị không phát hành sản phẩm quảng cáo trên các trang này.

Tại Hội nghị về quản lý quảng cáo trên mạng diễn ra ngày 26/3, Bộ Thông tin & Truyền thông (TTTT) cho biết năm 2023 đã xử phạt hành chính 10 doanh nghiệp, tổng số tiền 175 triệu đồng do vi phạm quảng cáo trên mạng. Con số này giảm nhẹ so với 2022 với 16 doanh nghiệp bị xử phạt, tổng cộng 225 triệu đồng.

Theo Bộ TTTT, quảng cáo trên môi trường mạng ngày càng khẳng định vị thế quan trọng với hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp.

Những ưu điểm của quảng cáo trên Internet gồm khả năng tiếp cận khách hàng rộng lớn, chính xác nhờ công nghệ và dữ liệu, hiệu quả đo lường cập nhật rõ ràng theo thời gian thực, chi phí linh hoạt, đáp ứng mọi mức ngân sách...

Bên cạnh các ưu điểm, quảng cáo trên mạng, đặc biệt là quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới vẫn tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thương hiệu, bất tuân pháp luật khi doanh nghiệp và nhãn hàng chưa thể đảm bảo quản lý tốt vị trí hiển thị quảng cáo. Đây là nhiệm vụ đầy thách thức với các doanh nghiệp quảng cáo trên mạng.

Hiệu quả của Nghị định 70/2021/NĐ-CP

Để tăng cường giám sát quảng cáo xuyên biên giới, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2021/NĐ-CP. Có hiệu lực từ tháng 9/2021, Nghị định bổ sung các quy định về hoạt động quảng cáo xuyên biên giới, tập trung vào trách nhiệm của người quảng cáo, kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong và ngoài nước, nhà phát hành quảng cáo.

Sau hơn 2 năm triển khai, Bộ TTTT đánh giá một số kết quả của Nghị định 70/2021/NĐ-CP. Đầu tiên, người quảng cáo và kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã nhận thức, hành động nhằm tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam, đảm bảo an toàn thương hiệu được nâng cao.

Nghị định đã yêu cầu các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới tăng cường bộ lọc, giải pháp kỹ thuật về an toàn thương hiệu, đồng thời chặn gỡ video, kênh có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật.

Một kênh YouTube với nội dung không phù hợp nhưng vẫn chèn quảng cáo của doanh nghiệp. Ảnh: Minh Khánh.

Các nền tảng này cũng thiết lập đối thoại, trao đổi thường kỳ với Bộ TTTT về những giải pháp tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam về quảng cáo trên Internet.

Bên cạnh xử phạt hành chính, Bộ TTTT còn tổ chức các đoàn kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam, với 5 doanh nghiệp trong năm 2023, và 6 doanh nghiệp vào 2022.

Sau khi rà soát và xử phạt hành chính, các tổ chức vi phạm đều cam kết: nghiêm túc chấp hành quyết định xử phạt, yêu cầu Google, Facebook dừng quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp trên các kênh vi phạm, có giải pháp loại bỏ kênh/nội dung vi phạm, không hợp tác quảng cáo với tổ chức, nền tảng vi phạm pháp luật Việt Nam.

Hàng trăm website bị đưa vào "danh sách đen"

Nhằm tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo trên Internet, Bộ TTTT đã công bố “danh sách đen” (Black List) và “danh sách nội dung đã được xác thực” (White List) để người dùng và doanh nghiệp tham khảo.

Trong đó, Black List gồm các nền tảng, trang tin điện tử do Bộ rà soát, liệt kê do có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, phát hành quảng cào và người quảng cáo được đề nghị không phát hành sản phẩm quảng cáo trên các trang này.

Trong lần cập nhật mới nhất vào tháng 1, Black List của Bộ TTTT gồm 47 trang và tài khoản Facebook, 102 kênh YouTube, 403 trang thông tin điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Một website cá độ bị đưa vào danh sách có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Bộ TTTT.

Đối với White List, danh sách gồm các nền tảng được khuyến khích để nhãn hàng, doanh nghiệp xem xét lựa chọn quảng cáo sản phẩm. Điều này nhằm đảm bảo an toàn thương hiệu, góp phần phát triển hệ sinh thái quảng cáo và nội dung số Việt Nam an toàn, lành mạnh.

Theo thống kê của Bộ TTTT, từ khi ra mắt vào tháng 3/2023, White List gồm 301 báo/tạp chí điện tử, 1.373 trang thông tin điện tử tổng hợp và 953 tài khoản mạng xã hội. Đây là các website được cấp giấy phép hoạt động theo quy định.

Với trang, kênh, tài khoản MXH của Đài Phát thanh & Truyền hình, cơ quan báo chí, tổ chức, cá nhân cung cấp nội dung số, White List liệt kê 2.033 kênh YouTube, 627 trang Facebook và 329 kênh TikTok.

Cần chung tay mở rộng White List

Dù có giải pháp quản lý và danh sách tham khảo, Bộ TTTT cho biết nhiều nhãn hàng, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong nước vẫn tiếp tục để quảng cáo bị cài đặt vào nội dung vi phạm pháp luật, không có giải pháp chấm dứt triệt để. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp lớn bị cơ quan quản lý xử phạt liên tiếp 2-3 lần.

Một số nguyên nhân được liệt kê như chủ quan, chạy theo hiệu quả và lợi nhuận, có ý thức sử dụng Black List nhưng không thể đảm bảo rà soát, xây dựng Black List đầy đủ do phụ thuộc tính chất đặc thù của nội dung. Đặc biệt, phần lớn doanh nghiệp không sử dụng White List dù Bộ TTTT đã nhiều lần khuyến nghị.

Với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài, Bộ TTTT đánh giá nhiều tổ chức chưa nghiêm túc thay đổi, điều chỉnh hoạt động để đảm bảo tuân thủ luật pháp Việt Nam mà vẫn phụ thuộc chính sách chung toàn cầu.

Ngoài ra, công cụ kỹ thuật để kiểm soát nội dung, vị trí quảng cáo chưa đảm bảo hiệu quả. Cơ chế quản lý nội dung, bật kiếm tiền ngày càng lỏng lẻo, chạy theo lợi nhuận, chưa coi trọng đảm bảo an toàn cho thương hiệu và luật pháp.

Danh sách nội dung “đã được xác thực” trên mạng (White List) của Bộ TTTT.

Bộ TTTT khuyến nghị các nhãn hàng, đại lý quảng cáo đồng thuận, ủng hộ áp dụng White List, chung tay cùng Bộ mở rộng, áp dụng White List vào thực tế.

Theo đó, Bộ TTTT đã thiết lập phương thức đăng ký tham gia White List qua đầu mối của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử. Thời gian tới, Bộ sẽ giao Cục xem xét thiết lập phương thức tiếp cận và thống kê cá nhân, tổ chức có nhu cầu đăng ký White List dễ dàng hơn.

Ngoài ra, Bộ TTTT khuyến khích vai trò của các công ty quản lý mạng đa kênh (MCN), mạng lưới quảng cáo (Ad Network), công ty truyền thông, công ty quản lý – đại diện nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật, người nổi tiếng… cùng đại lý quảng cáo trong nước đứng ra làm đầu mối tổng hợp nhu cầu đăng ký tham gia White List.

Bộ TTTT sẽ cập nhật White List định kỳ, cũng như có cơ chế giám sát, đánh giá, loại bỏ những trang, kênh, tài khoản không phù hợp khỏi White List.

Mục tiêu "Tuân thủ - An toàn - Trách nhiệm"

Để bảo vệ an toàn thương hiệu, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh quảng cáo lành mạnh, an toàn, cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, Bộ TTTT sẽ tiếp tục triển khai giải pháp nhằm đảm bảo các mục tiêu:

- Ủng hộ, ưu tiên quảng cáo trên các nền tảng truyền thông số Việt Nam nói riêng và nền tảng tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam nói chung.

- Doanh nghiệp quảng cáo, nhãn hàng quảng cáo càng lớn càng phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp Việt Nam, giữ gìn uy tín thương hiệu.

- Quyết tâm không để nội dung xấu độc sinh sôi, phát triển, thu lợi từ nguồn tiền quảng cáo hợp pháp của doanh nghiệp Việt, lan tỏa và hiện thực hóa thông điệp: Chỉ quảng cáo trên nội dung ”sạch”, chỉ làm nội dung ”sạch” mới nhận được quảng cáo.

Bộ TTTT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về hoạt động quảng cáo trên mạng.

Bộ TTTT tin tưởng rằng áp dụng White List song song với triển khai các giải pháp đồng bộ trong quản lý quảng cáo trên mạng sẽ giúp hướng đến các mục tiêu dài hạn: Tuân thủ pháp luật - An toàn thương hiệu - Trách nhiệm với sự phát triển bền vững, lành mạnh của ngành quảng cáo và hệ sinh thái nội dung số trong nước.

QC
Powered by mAds
Cùng danh mục
QC
Powered by mAds