Banner

5 phút nghẹt thở trước vụ sập cầu chết chóc nhất thập kỷ ở Mỹ

Thứ năm, 28/3/2024 18:00 (GMT+7)

Nhiều người, nhiều lực lượng đã nỗ lực trong vài phút ít ỏi trước khi cây cầu Francis Scott Key bị đâm sập. Nhưng có lý do khiến thảm kịch này là điều không thể tránh khỏi.

Khoảnh khắc tàu container đâm sập cầu ở Mỹ Tàu chở hàng 95.000 tấn đã đâm sập Francis Scott Key, cây cầu cảng nổi tiếng ở thành phố Baltimore (bang Maryland, Mỹ) hôm 26/3.

"Hãy dừng mọi phương tiện di chuyển qua Cầu Key".

Câu lệnh ngắn gọn từ một sĩ quan tại cảng vận chuyển thương mại sầm uất của Baltimore là một trong những cảnh báo đầu tiên về thảm họa mà các chuyên gia dự đoán sẽ làm thay đổi hoạt động vận chuyển trên Bờ Đông nước Mỹ, thay đổi cả cách thức hoạt động của tàu bè, cầu cống trên khắp thế giới.

Khi tàu chở hàng Dali bị mất điện và phải ra tín hiệu khẩn cấp vào khoảng 1h30 sáng 26/​3, chỉ có vài phút quý giá để hành động.

Trong những phút ngắn ngủi đó, nhiều người - từ thủy thủ đoàn, những người đã gửi tín hiệu khẩn cấp, đến các nhân viên cảnh sát của cơ quan giao thông vận tải, những người giúp chặn giao thông đi vào cầu Francis Scott Key - đã làm mọi thứ có thể để ngăn chặn thảm họa, cứu được nhiều mạng sống.

Nhưng bất kể ai đã làm gì, có một số yếu tố khiến cho thảm kịch lần này là không thể tránh khỏi.

Thực tế khi một con tàu lớn như vậy mất kiểm soát, gần như không thể làm gì để điều chỉnh hướng đi của nó, thậm chí thả neo xuống.

Và Cầu Key đặc biệt dễ bị ảnh hưởng. Từ năm 1980, các kỹ sư đã cảnh báo rằng do thiết kế, cây cầu sẽ không bao giờ có thể đứng vững nếu có một cú va chạm trực tiếp từ tàu container.

Vụ va chạm và sập cầu sau đó đã khiến 7 công nhân sửa đường và một thanh tra viên rơi xuống nước; hai người còn sống được kéo lên khỏi mặt nước, nhưng 4 người khác vẫn mất tích và được cho là đã chết. Hai thi thể đã được tìm thấy vào hôm 26/​3.

Bị cuốn vào vụ thảm họa còn có 21 thành viên thủy thủ đoàn của con tàu, tất cả đều đến từ Ấn Độ, những người đã chuẩn bị cho chuyến hành trình dài đến Sri Lanka trên tàu Dali. Không ai trong số họ bị thương nhưng họ bị giữ trên tàu hơn một ngày khi con tàu neo đậu trong bến cảng, tàn tích của cây cầu quấn quanh nó khi nhà chức trách bắt đầu điều tra.

5 phút trước thảm họa

Đây là vụ sập cầu chết chóc nhất của Mỹ trong hơn một thập kỷ, sẽ có tác động lâu dài đến Cảng Baltimore, với 8.000 công nhân và các ngành công nghiệp phụ thuộc vào cảng hàng đầu của nước này.

“Thật khó để đánh giá tác động của vụ va chạm này”, Pete Buttigieg, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ, nói và so sánh chiều dài của con tàu ngang một dãy phố, với kích thước của một tàu sân bay.

Con tàu chở hàng đâm sập hoàn toàn cây cầu Francis Scott Key vào sáng 26/3. Ảnh: Erin Schaff/New York Times.

Ngay trong ngày xảy ra tai nạn, các quan chức của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã lên tàu Dali để thu thập tài liệu. Họ thu được dữ liệu từ máy ghi dữ liệu hành trình (giống hộp đen của máy bay) với hy vọng rằng nó có thể giúp xác định nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn.

Theo thông lệ, vào khoảng quá nửa đêm hôm xảy ra tai nạn, con tàu Dali chất đầy container hàng hóa rời bến, được dẫn đường bởi hai tàu kéo. Trên tàu có một hoa tiêu bến cảng địa phương với hơn 10 năm kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc về cảng Baltimore.

Bầu trời phía trên sông Patapsco trong xanh và tĩnh lặng, trăng tròn chiếu sáng xuống dòng nước.

Vào lúc 1h25 sáng, sau khi hai tàu kéo tách ra và quay trở lại cảng, tàu Dali đã tăng tốc lên khoảng 16 km/​giờ hướng đến Cầu Key. Nhưng ngay sau đó, theo mốc thời gian do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia công bố, “nhiều cảnh báo bằng âm thanh” bắt đầu vang lên trên tàu.

Vì những lý do vẫn đang được điều tra, hệ thống đẩy của con tàu đã ngừng hoạt động. Ánh đèn trên tàu vụt tắt.

Clay Diamond, người đứng đầu Hiệp hội Hoa tiêu Mỹ, người đã được thông báo tóm tắt về lời kể của nhân viên trên tàu Dali, cho biết con tàu đã “mất điện hoàn toàn”. (Chủ tịch NTSB, Jennifer Homendy, cho biết các quan chức vẫn đang cố gắng xác định xem liệu sự cố mất điện đã hoàn toàn hay chưa).

Hoa tiêu của bến cảng nhận thấy con tàu bắt đầu rẽ sang phải, theo hướng một trong những trụ đỡ quan trọng Cầu Key. 1h26, ông kêu tàu kéo quay trở lại; ông gọi thuyền trưởng cố gắng khởi động lại động cơ và chỉ đạo thủy thủ đoàn bẻ lái mạnh sang trái. Biện pháp cuối cùng được đưa ra vào lúc 1h27, ông ra lệnh cho thủy thủ đoàn thả neo.

Eric McAllister, một trong những chiếc tàu kéo, quay đầu lại và lao về phía con tàu.

Chỉ có vài phút ngắn ngủi để xử lý kể từ lúc con tàu mất điện và phát tín hiệu khẩn cấp. Ảnh: Jason Andrew/The New York Times.

Nhưng những vấn đề liên tiếp ập đến. Máy phát điện khẩn cấp khởi động, tạo ra một làn khói dày đặc thoát ra từ ống xả của con tàu, nhanh chóng khôi phục lại đèn, radar và hệ thống lái. Nhưng cũng không hiệu quả, con tàu nặng 95.000 tấn đã trở thành vật thể không thể ngăn cản, cứ thế trôi dạt về phía trụ quan trọng của cây cầu có lượng người qua lại đông đúc nhất ở Baltimore.

Trên đất liền, các quan chức của Cơ quan Vận tải Maryland nhanh chóng hành động. “Tôi cần một người ở phía Nam, một người ở phía Bắc, chặn ngay phương tiện lên Cầu Key”, ai đó nói trong bản ghi âm của đài phát thanh giao thông khẩn cấp đêm đó. “Có một con tàu đang đến gần và bị mất lái. Cho đến khi họ kiểm soát được nó, phải dừng mọi hoạt động giao thông”.

Các phương tiện được giữ ở hai đầu cầu khi con tàu tiếp tục trôi dạt về phía nhịp cầu dài 1,6 dặm (khoảng 2,5 km).

Một phút sau, lực lượng chức năng chuyển sự chú ý sang nhóm công nhân trên cầu, trong đó có một số người nhập cư từ Guatemala, Honduras, El Salvador và Mexico. Họ còn đang làm việc trên cầu trong bóng tối se lạnh, tranh thủ lưu lượng phương tiện thấp vào đêm tối để vá ổ gà.

“Có một nhóm công nhân trên đó. Ai đó thông báo cho quản đốc xem có thể đưa họ rời khỏi cầu ngay được không”, một sĩ quan nói trong cuộc trao đổi qua radio.

Nhưng ngay lúc đó, con tàu đã đâm vào cây cầu. Gần như ngay lập tức, cầu bị vênh và sụp đổ, vặn qua và đổ sập xuống con tàu. Phần còn lại của cây cầu bị gãy thành nhiều đoạn, lao thẳng xuống dòng sông đen kịt bên dưới.

Thảm họa không thể tránh khỏi

Stash Pelkowski, giáo sư tại Đại học Hàng hải New York và là đô đốc Cảnh sát biển đã nghỉ hưu, cho biết: “Kích thước và trọng lượng của những con tàu kiểu này khiến chúng ta thực sự khó ngăn chặn thảm họa, ngay cả khi có động cơ đẩy lúc mất điện. Hoa tiêu hoặc thủy thủ đoàn cũng chẳng làm được gì khác”.

Cây cầu đổ sập chỉ trong vài giây. Ngoại trừ phần gốc của các trụ cầu, nhịp trung tâm của cây cầu đã lao xuống dòng sông lạnh giá - nơi các thợ lặn mò tìm cả ngày để tìm kiếm người sống sót giữa đống kim loại.

“Khẩn cấp, toàn bộ cây cầu đã sập”, một sĩ quan nói lớn.

Mọi người đang chụp ảnh cây cầu Francis Scott Key bị sập. Ảnh: New York Times.

Những con tàu mất lái từ lâu đã được coi là mối nguy hiểm đối với Cầu Key. Chỉ vài năm sau khi công trình kiến​trúc Baltimore được xây dựng vào năm 1977, một vụ tai nạn tàu đã đánh sập cầu Sunshine Skyway ở Vịnh Tampa, Fla., khiến 35 người thiệt mạng.

Các quan chức thừa nhận rằng cầu Francis Scott Key cũng sẽ không thể chịu được cú va chạm trực tiếp như vậy từ một tàu chở hàng hạng nặng.

John Snyder, giám đốc kỹ thuật của Cơ sở thu phí của bang, nói vào lúc đó: “Tôi phải nói rằng nếu con tàu đó đâm vào Cầu Vịnh hoặc Cầu Key - ý tôi là một cú tông trực tiếp vào các trụ chính - cầu sẽ bị đánh sập”.

Tuy nhiên, ông nói rằng việc xây dựng một cây cầu có thể chịu được tác động lớn như vậy là không khả thi về mặt kinh tế. Khi cây cầu được xây dựng, các tàu chở hàng chưa có kích thước như ngày nay. Một chiếc máy bay chở hàng nhỏ hơn nhiều từng đâm vào cây cầu vào năm 1980, nhưng cầu vẫn đứng vững.

Vài phút sau khi cây cầu bị sập, cả hai tàu kéo đi cùng tàu Dali đã đến hiện trường, ngay sau đó là Cảnh sát biển và Sở cứu hỏa thành phố Baltimore.

Hai công nhân sửa cầu đã được cứu thoát khỏi mặt nước. Những người khác đã mất tích.

Jack Murphy, người sở hữu Brawner Builders, công ty có các công nhân làm việc trên cầu, nhận được một cuộc điện thoại thông báo về vụ sập cầu và chạy đến khu vực cách đó khoảng 30 phút lái xe. Ông ở lại bên cầu suốt đêm và cuối cùng bắt đầu gọi điện cho gia đình các nạn nhân.

Cảnh sát cho biết thi thể của hai công nhân được phát hiện trong một chiếc xe bán tải màu đỏ gần đống đổ nát của cây cầu. Họ được xác định là Alejandro Hernandez Fuentes (35 tuổi, một người nhập cư từ Mexico) và Dorlian Ronial Castillo Cabrera (26 tuổi, người gốc Guatemala).

Cách cây cầu khoảng hai dặm, Andrew Middleton đang nằm thao thức khi nghe thấy tiếng va chạm. Ban đầu ông nghĩ đó là sấm sét, có thể là một chiếc máy bay phản lực bay thấp.

Chỉ vài giờ sau, ông tỉnh dậy mới thấy tin cây cầu bị sập. “Tôi thầm nghĩ, hôm qua mình vừa ở với những người đó”, ông nói.

Ông Middleton là người điều hành Tông đồ Biển, một chương trình hỗ trợ các thủy thủ đi qua cảng. Ông đã chở thuyền trưởng và một số thành viên thủy thủ đoàn đến Walmart vào ngày trước tai nạn để dự trữ hàng hóa cho chuyến hành trình 28 ngày sắp tới gồm kem đánh răng, đồ ăn nhẹ, quần áo, loa Bluetooth.

Ông nhớ lại thuyền trưởng đã nói với mình rằng cảng tiếp theo của họ là Sri Lanka, nhưng họ sẽ đi một tuyến đường dài hơn, vòng quanh Nam Phi, để tránh các cuộc tấn công gần đây của Houthi nhằm vào các tàu chở hàng ở Biển Đỏ.

Ông Middleton ngay lập tức nhắn tin cho thủy thủ đoàn trên WhatsApp sau khi biết tin tai nạn, thở phào khi họ trả lời rằng mọi người trên tàu vẫn ổn.

Xung quanh khu vực cầu sập, lính cứu hỏa và nhân viên cứu hộ mặc đồ lặn đang tập trung quanh bờ biển, theo sau là các đội đưa tin. John McAvoy, chủ sở hữu một nhà hàng gần đó, đã lái xe tới mang theo những bữa ăn nóng hổi để phát cho các thủy thủ đoàn.

Nhưng đến đêm 26/​3, các quan chức đã ngừng nỗ lực cứu hộ và cho biết sẽ chuyển sang tìm kiếm thi thể. Kevin Cartwright, phát ngôn viên của Sở cứu hỏa, cho biết: “Nước sâu, tầm nhìn hạn chế, trời lạnh đến mức tôi không biết là gì”.

Công binh Lục quân Mỹ cho biết họ đang huy động hơn 1.100 chuyên gia để dọn dẹp đống đổ nát của cây cầu và thông đường vận chuyển của Cảng Baltimore. Trong khi đó, ông Buttigieg, Bộ trưởng Giao thông vận tải, cho biết Bờ Đông sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào các cảng bên ngoài Baltimore.

Ông McAvoy cho rằng thảm kịch này sẽ còn gây ám ảnh khắp cảng trong nhiều năm nữa.

Ông cho biết các đội đánh cá luôn tìm được đường về nhà theo Cầu Key, nhưng giờ đây “Nó sẽ thay đổi rất nhiều thứ đối với nhiều người”.

QC
Powered by mAds
Cùng danh mục
QC
Powered by mAds