Banner

Cuộc tháo chạy khỏi ngành công nghiệp cưới

Thứ bảy, 23/3/2024 14:18 (GMT+7)

Ngành công nghiệp đám cưới đang chứng kiến sự sụt giảm số lượng và quy mô đám cưới dẫn đến tình hình kinh doanh của nhiều loại hình dịch vụ đình trệ thời gian qua.

Bánh kem nhiều tầng, hoa được trưng bày cầu kỳ cùng điệu nhảy đầu tiên giữa cô dâu và chú rể trên nền nhạc - tất cả đã tạo nên dấu ấn đám cưới truyền thống trong cuộc sống người Mỹ.

Nỗi ám ảnh về đám cưới xa hoa đã đạt đỉnh điểm sau khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Lạm phát đồng thời tăng vọt và chi phí trung bình cho một đám cưới vượt mức 30.000 USD lần đầu tiên vào năm 2023, theo The Wedding Report, một công ty nghiên cứu dữ liệu đám cưới.

Giờ đây, sau 2 năm lạm phát tăng cao ảnh hưởng đến mức độ giàu có của người tiêu dùng, một số cặp đôi đính hôn cho rằng việc vung tiền vào bàn tráng miệng hoặc thật nhiều hoa - những thứ “có thì tốt” trong đám cưới - đã trở thành quyết định ít chính đáng hơn.

Đó là tin xấu đối với nhà cung cấp dịch vụ đám cưới như quay phim, chụp ảnh và ăn uống. Cùng lúc đó, họ đang đối mặt với mối đe dọa hiện hữu đáng lo ngại hơn: tổng số đám cưới giảm dần.

Năm 2022, số lượng đám cưới ở Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất trong 25 năm qua. Hiện tại, chỉ 2 năm sau mức tăng trưởng đó, số đám cưới dự kiến ít hơn gần 17%, theo ông Shane McMurray, CEO (giám đốc điều hành) và sáng lập The Wedding Report.

Điều gì đằng sau sự tăng trưởng chậm lại?

Việc hoãn hoặc hủy đám cưới vào năm 2020, 2021 do đại dịch Covid-19 là một phần nguyên nhân khiến số lượng đám cưới có một thời gian tăng đột biến.

Instagram tràn ngập những người có ảnh hưởng đến đám cưới (người chia sẻ nội dung, lời khuyên và nguồn cảm hứng liên quan đến đám cưới trên nền tảng mạng xã hội - PV) và hashtag #WeddingTok của TikTok đã thu hút hàng tỷ lượt xem. Đây là 2 minh chứng rõ rệt cho thấy nhu cầu làm đám cưới của mọi người đã bị dồn nén suốt thời gian xảy ra đại dịch.

"2022 và 2023 là thời kỳ đỉnh cao vì mang lại lợi nhuận lớn cho công việc kinh doanh của tôi", Gabrielle Stone, người làm công việc tổ chức đám cưới ở Boston (Mỹ) suốt 18 năm, chia sẻ với CNN.

Số lượng lẫn quy mô đám cưới xa hoa từng tăng trưởng rồi sụt giảm. Ảnh minh họa: Unsplash.

Tuy nhiên, bước sang năm 2024, Gabrielle nhận thấy đám cưới đang hạ nhiệt đôi chút. Giả thuyết của cô là những người độc thân, ở nhà chống dịch vào năm 2020 không có cơ hội hẹn hò trong năm đó. Mặt khác, một số cặp vợ chồng tương lai chưa từng gặp nhau vào năm 2020 có thể đã đính hôn trong năm nay.

Tương tự, Gina Drosos, CEO của Signet Jewelers, cho biết tình hình kinh doanh các mặt hàng trang sức đang trải qua đợt Covid thứ 2 khi lượng đám cưới giảm 25% do việc hẹn hò bị gián đoạn cách đây 3,5 năm.

Chưa kể, xu hướng thế hệ cũng ảnh hưởng lớn đến Signet và phần còn lại của ngành công nghiệp đám cưới.

Ông Shane McMurray cho biết phần lớn thế hệ Millennials đang già hóa và các thế hệ mới hơn - Gen Z và Gen Alpha (người sinh từ năm 2010-2024) - ít coi trọng việc tổ chức đám cưới hoành tráng.

“Không có sự tăng trưởng thực sự trong ngành công nghiệp đám cưới. Ngày càng nhiều người sống thử thay vì kết hôn, vì vậy đây là một thị trường tiêu điều", ông nói, đồng thời đề cập nghiên cứu chung gần đây của Đại học Virginia và Đại học Brigham Young cho thấy thanh thiếu niên hiện đại ít có niềm tin rằng hôn nhân sẽ mang lại cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc hơn.

Chi phí tăng, nhu cầu giảm

Toni Burrowes (30 tuổi, giáo viên ở trung tâm bang Florida) đã quyết định bỏ qua việc tổ chức đám cưới hoành tráng vào tháng trước. Thay vào đó, cô chọn tổ chức tại trụ sở tòa án với 18 thành viên trong gia đình và bạn bè thân thiết.

Toni Burrowes và chồng. Ảnh: NVCC.

Cô cho biết mình từng mơ về một đám cưới định mệnh nhưng sau khi xem chị gái lên kế hoạch cho đám cưới hoành tráng, cô nghĩ áp lực không cần thiết hay vấn đề chi phí là điều chẳng đáng để "cắn răng" đầu tư.

"Chúng tôi hiện kiếm tiền để trang trải cuộc sống và nuôi dưỡng con gái. Điều này khiến tôi cân nhắc về đám cưới - liệu tôi có muốn tiêu hết số tiền này trong một ngày thay vì tiếp tục tiết kiệm để mua nhà không?”, nữ giáo viên chia sẻ.

Nhìn chung, ngay cả khi cắt giảm chi phí đám cưới, vợ chồng Toni Burrowes vẫn chưa từ bỏ hoàn toàn "thủ tục" của đám cưới truyền thống, chẳng hạn thuê thợ trang điểm và nhiếp ảnh gia để khiến mọi thứ chỉn chu nhất có thể.

Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp cắt giảm dịch vụ đám cưới mà họ cho là không cần thiết, theo Shane McMurray. “Tôi nhận thấy nhu cầu đối với những thứ như thiệp mời, đồ trang trí... đã giảm xuống. Chi phí đám cưới càng tăng thì càng nhiều người đắn đo về sự cần thiết của những thứ này", ông nói.

Giống như các cặp đôi đang thích nghi với bức tranh kinh tế mới, các doanh nghiệp nhỏ chuyên phục vụ đám cưới cũng vậy.

Alyssa Young bắt đầu kinh doanh tiệm bánh Cake Llama tại San Antonio (bang Texas) vào năm 2019. Cô ban đầu dự định tập trung làm bánh kem đám cưới, nhưng tình hình không mấy khả quan buộc cửa hàng đa dạng hóa dịch vụ trong năm qua.

Đám cưới xa hoa không còn là nỗi ám ảnh của thế hệ trẻ. Ảnh: Ausrine Weddings.

“Tình hình mùa cưới đang lao dốc, trở thành một thị trường quá bão hòa. Thật sốc khi chứng kiến nhiều nơi đóng cửa chỉ sau một đêm", cô nói.

Vì thế, Alyssa Young đã "cứu" công việc kinh doanh bằng cách thử bán bánh nướng cho quán cà phê và cung cấp dịch vụ ăn uống cho ban nhạc lưu diễn trong khu vực. Không dừng lại ở đó, cô bắt đầu thử nghiệm công thức làm bánh thuần chay do trứng quá đắt.

Cô cũng không có kế hoạch quay trở lại lĩnh vực đám cưới, đồng thời phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giá rẻ, bao gồm cửa hàng tạp hóa địa phương và một số người đã biến sở thích làm bánh thành công việc toàn thời gian.

QC
Powered by mAds
Cùng danh mục
QC
Powered by mAds