Banner

Thế hệ ‘chê’ vàng

Thứ hai, 19/2/2024 09:10 (GMT+7)

Giới trẻ không còn tha thiết mua vàng để đầu tư hoặc tích lũy tài sản mà sẽ ưu tiên gửi tiết kiệm, kinh doanh hoặc đầu tư cổ phiếu.

Ngày vía Thần Tài, Minh Thư (23 tuổi) dự định mua vàng để lấy vía, cầu may mắn trong năm Giáp Thìn. Tuy nhiên, đây là một trong những lần hiếm hoi trong năm mà cô mua vàng. Minh Thư cho biết cô chỉ mua vàng để cầu may hoặc mua trong những dịp đặc biệt.

Không chỉ riêng Minh Thư, nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ Z không còn xu hướng mua vàng để tích lũy tài sản hay đầu tư sinh lời. Thậm chí, màu ánh kim của vàng cũng không được giới trẻ ưa chuộng để làm trang sức.

Đầu tư cổ phiếu thay vì mua vàng

Sau năm 2023 với nhiều biến động trong kinh tế, kinh tế Việt Nam được dự kiến sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong năm 2024, theo VCCI. Trước tình hình đó, Tuyết Mai (24 tuổi, chuyên viên marketing tự do) đang chuẩn bị cho bản thân một khoản tiết kiệm để dự phòng những biến cố về việc làm hay sức khỏe.

Theo Straits Times, thế hệ Z có xu hướng đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu thay vì vàng. Ảnh: Chí Hùng.

Tuy nhiên, thay vì chọn mua vàng để tích lũy như thế hệ trước, cô lại gửi tiền tiết kiệm vào tài khoản cá nhân để thu về lợi nhuận hàng tháng. Với Tuyết Mai, việc mua vàng chỉ diễn ra một lần vào dịp đầu năm để tặng cho gia đình.

“Bên cạnh những khoản tiết kiệm, mình còn thích dùng tiền dư ra để đầu tư vào những trải nghiệm của bản thân khi còn trẻ. Việc này sẽ giúp mình trau dồi kiến thức cũng như những kỹ năng mới để tìm thêm cơ hội việc làm. Công việc tự do cũng giúp mình dễ thu xếp thời gian để khám phá một nền văn hóa, con người hay món ăn mới.”, cô chia sẻ.

Tương tự Tuyết Mai, Anh Tuấn (22 tuổi, nhiếp ảnh gia), dù có thu nhập ổn định và dư ra một khoản để đầu tư, chỉ mua vàng mỗi năm một lần để tặng sinh nhật mẹ.

Anh Tuấn quyết định dùng thu nhập từ việc chụp ảnh để đầu tư cổ phiếu. Ảnh: NVCC.

“Mỗi khi có tiền dư, mình thường gửi tiền vào tài khoản ngân hàng để thu lợi nhuận. Đối với những khoản thu nhập lớn, mình cũng ưu tiên thuê thêm thiết bị, máy ảnh để làm việc hoặc mua cổ phiếu thay vì mua vàng như bố mẹ hay làm”, Anh Tuấn nhấn mạnh chỉ đầu tư vàng khi có một khoản tiền lớn không cần dùng trong 5-10 năm.

Theo nghiên cứu năm 2020 của nền tảng tài chính SingSaver, 85% người được hỏi thuộc thế hệ Z (những người sinh những năm cuối thập niên 1990 đến những năm đầu thập niên 2010) bắt đầu tiết kiệm tiền trước 22 tuổi, nhiều gấp đôi so với thế hệ Y (những người sinh những năm cuối thập niên 1980 đến những năm đầu thập niên 1990).

Tuy nhiên, thay vì tiết kiệm bằng cách đầu tư vàng, bất động sản như thế hệ trước, thế hệ Z lại thích “rót tiền” vào cổ phiếu, trái phiếu. Theo CEO Prashant Aggarwal chia sẻ trên Straits Times, xu hướng này xuất phát từ việc những người thuộc thế hệ Z dễ dàng tiếp cận với các thông tin tài chính và công cụ đầu tư cùng với số vốn nhỏ và thích những mô hình cung cấp lãi suất đều đặn.

Không phải món trang sức hợp "gu"

Có mức thu nhập 13-15 triệu/tháng, Ngọc Hân (26 tuổi, chuyên viên tổ chức sự kiện) cũng không thích mua vàng để làm trang sức. Cô cho biết lần gần nhất mà bản thân mua vàng là vào đám cưới của mình. Sau đó, Ngọc Hân gần như không mua vàng nữa.

Với nhiều bạn trẻ, màu ánh kim của vàng không phải là màu sắc hợp thời hay hợp tuổi. Ảnh: Chí Hùng.

“Mình không có thói quen đầu tư hay tiết kiệm bằng vàng. Nếu mua trang sức thì mình mua bạc là chủ yếu. Màu ánh kim không hợp tuổi mà theo mình, cũng không đẹp”, Ngọc Hân nói.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, mỗi năm Minh Thư sẽ dành khoảng 20 triệu để làm đẹp và mua sắm trang sức. Dù vậy, những món trang sức bằng vàng cũng không phải sở thích của cô. “Khi mua sắm, mình sẽ ưu tiên trang sức bằng bạc thay vì vàng. Thứ nhất, bạc hợp thời trang hơn, thứ hai là nó cũng phù hợp với độ tuổi của mình hơn là vàng”, cô nói.

Trong ngày vía Thần Tài năm 2024, đa số bạn trẻ trao đổi với Tri Thức - Znews đều cho biết không có dự định mua vàng cầu may, đầu tư sinh lời. Với Tuyết Mai, việc mua vàng trong những ngày này chỉ mang lại phiền toái vì “giá vàng thường lên khá cao mà tiệm vàng cũng đông đúc”. Trong khi đó, Ngọc Hân và Anh Tuấn chia sẻ mình không có thói quen mua vàng, đặc biệt là trong những ngày cao điểm của thị trường vàng như hôm nay.

Sách Thần Đất - Ông địa & Thần tài của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. Ảnh: Tổ Quốc.

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng viết trong quyển Thần đất - Ông địa & Thần tài, ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch vốn không phải ngày vía Thần Tài mà là ngày vía đất. Vì Thần Tài và Thổ Địa có nhiều nhân duyên với nhau, được thờ chung một khám thờ nên người ta đã lấy ngày này là vía Thần Tài.

Ngày nay, tục thờ cúng ngày vía Thần Tài có nhiều thay đổi, một trong số đó là quan niệm mua vàng để cầu phát tài, phát lộc và nhiều may mắn. Hầu hết sách, tài liệu về tín ngưỡng thờ Thần Tài của người Việt cũng không đề cập đến tục mua vàng này.

Việc mua vàng được cho là vừa xuất hiện trong khoảng 10 năm gần đây. Ban đầu, nó chỉ lan truyền trong một bộ phận nhỏ thương nhân ở thành thị nhưng hiện giờ trở nên phổ biến với người dân cả nước.

“Thường thấy người kinh doanh hay mua vàng trong ngày này, niềm tin mua vàng hy vọng về một năm sẽ làm ăn phát đạt. Niềm tin này cần được đặt ở chánh tín, đặt vào ngày mai tươi sáng hơn.

Cuộc sống vốn luôn tồn tại niềm tin và hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn. Dĩ nhiên, ước muốn cần luôn đi kèm với phấn đấu làm việc không ngừng”, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng viết.

QC
Powered by mAds
Cùng danh mục
QC
Powered by mAds