Banner

Giá USD quay đầu giảm giúp loạt doanh nghiệp nhẹ gánh nợ

Thứ tư, 6/12/2023 09:35 (GMT+7)

Tỷ giá USD/VND có dấu hiệu hạ nhiệt giúp nhiều doanh nghiệp Việt nặng nợ ngoại tệ bớt nỗi lo.

Giá bán USD tại hầu hết ngân hàng thương mại đã giảm xuống dưới mốc 24.450 đồng/USD. Ảnh: Chí Hùng.

Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo giữ nguyên lãi suất điều hành trong cuộc họp tháng 11, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và chỉ số DXY (đo sức mạnh đồng bạc xanh) đã đồng loạt hạ nhiệt.

Tính đến cuối tháng 11, chỉ số DXY đã giảm về mức 102,8 điểm, thấp hơn 3,9% so với mức đỉnh gần nhất ngay trước cuộc họp tháng 11 của Fed. Hiện tại chỉ số này đang dao động quanh mức 103,5 điểm.

Sức mạnh đồng bạc xanh yếu hơn đã kéo tỷ giá USD/VND xuống vùng 24.400 đồng, giảm 1,4% so với mức đỉnh gần nhất vào ngày 26/10 và thu hẹp mức tăng so với đầu năm xuống còn 2,6%.

Giá trị đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế đảo chiều giảm mạnh đã góp phần giảm áp lực lên tỷ giá USD trong nước.

Trước đó, trong tháng 10, tỷ giá USD/VND biến động khá mạnh, có thời điểm tiệm cận vùng 24.600 đồng/USD, tăng gần 300 đồng so với cuối tháng 9 và tăng ròng 4,1% so với đầu năm. Tuy nhiên, tới thời điểm tháng 11 và đầu tháng 12, tỷ giá USD/VND đã dần hạ nhiệt.

Biến động của tỷ giá USD Index trong vòng 1 tháng qua. Ảnh: Trading View.

Tính đến ngày 6/12, tỷ giá trung tâm giữa Đồng Việt Nam so với USD được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.951 đồng/USD, tăng 25 đồng so với phiên liền trước. Tuy nhiên, tại các ngân hàng thương mại, giá mua - bán đồng bạc xanh vẫn duy trì xu hướng giảm nhẹ, chạy quanh vùng 24.060 - 24.430 đồng/USD.

Còn trên thị trường tự do, giá đồng bạc xanh giao dịch phổ biến ở 24.650 đồng/USD (mua) và 24.700 đồng/USD (bán), đắt hơn giá bán tại các ngân hàng khoảng 270 đồng/USD.

Các nhà phân tích cho rằng giá USD quay đầu tăng gần đây một phần do sự đảo ngược đợt bán tháo mạnh trong 3 tuần qua khi giá đồng bạc xanh trên thế giới có những phiên sụt giảm sâu kỷ lục. Dù vậy, so với đầu tháng 11, tỷ giá USD/VND vẫn ghi nhận xu hướng giảm mạnh tới 320 đồng, tương đương mức giảm ròng 1,3%.

Doanh nghiệp nhẹ gánh nợ ngoại tệ

Giá USD giảm có thể là tin buồn với các nhà đầu cơ ngoại tê, nhưng lại là tin vui đối với những doanh nghiệp có dư nợ vay lớn bằng USD do chêch lệch tỷ giá hối đoái được rút ngắn.

Tính đến cuối tháng 9, các doanh nghiệp Việt có dư nợ vay bằng USD lớn có thể kể đến như Vingroup (VIC), Novaland (NVL), Tổng công ty Phát điện 3 (PGV), PV Power (POW), PV Drilling (PVD), Thủy sản Minh Phú (MPC)...

Theo số liệu của Công ty Chứng khoán VNDirect, nếu xét tỷ lệ nợ bằng USD/tổng nợ, PV Drilling hiện đứng đầu danh sách với tỷ lệ 100%. Trong 9 tháng đầu năm, PV Drilling cũng đã ghi nhận khoản lỗ tài chính tới từ chênh lệch tỷ giá là 71,8 tỷ đồng.

Tổng công ty Phát điện 3 hiện có khoảng 36.868 tỷ đồng nợ vay bằng USD, chiếm 86,6% tổng nợ vay tài chính. Báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng cho thấy doanh nghiệp này phải gánh khoản lỗ tới hơn 800 tỷ đồng do yếu tố chênh lệch tỷ giá.

Novaland đến cuối tháng 9 cũng có tổng nợ hơn 68.567 tỷ đồng, trong đó khoảng 14.800 tỷ đồng được thực hiện bằng USD, chiếm 21,6%. Các khoản vay bằng USD của Novaland được áp dụng lãi suất khoảng 5,25-6%/năm. Ngoài ra, có khoảng 2.400 tỷ đồng được áp dụng lãi suất thả nổi Libor + 5,5%/năm.

Loạt doanh nghiệp khác như Tập đoàn PC1, Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí, Thủy sản Minh Phú... cũng có khoảng 4.000 tỷ đồng nợ vay bằng USD.

Doanh nghiệp có dư nợ vay bằng USD sẽ nhẹ gánh hơn khi tỷ giá USD/VND hạ nhiệt. Ảnh: Bloomberg.

Theo các chuyên gia tại VNDirect, loạt doanh nghiệp có dư nợ vay USD lớn sẽ đối mặt với rủi ro về tăng chi phí trả lãi và đánh giá lại khoản vay khi tỷ giá tăng và ngược lại.

Với hình thức trả lãi, các chuyên gia tại đây cho rằng những doanh nghiệp có khoản vay bằng đồng USD với lãi vay cố định và/hoặc thả nổi đều phải chịu áp lực tăng chi phí lãi vay, và lỗ tỷ giá (đánh giá lại khoản vay) do ảnh hưởng bất lợi của biến động tỷ giá và lãi vay đồng USD.

Theo đó, đồng USD mạnh lên sẽ kéo theo việc giá trị của chi phí lãi vay lẫn giá trị nợ gốc tăng lên khi quy ra VND. Thêm vào đó, những doanh nghiệp sử dụng khoản vay USD với lãi suất thả nổi sẽ chịu áp lực lớn hơn những khoản vay có lãi suất cố định.

Nguyên do là ngoài chịu tác động về tỷ giá lên chi phí lãi và nợ gốc, khoản vay thả nổi chịu thêm áp lực tăng chi phí lãi vay khi lãi suất khoản vay bằng đồng USD tăng lên

Chính vì thế, việc tỷ giá USD hạ nhiệt trong thời gian gần đây sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ cấu nợ lớn bằng đồng bạc xanh giảm gánh nặng chi phí tài chính trong quý IV/2023.

QC
Powered by mAds
Cùng danh mục
QC
Powered by mAds