Banner

OPEC: 'Không thể thay thế dầu trong tương lai gần'

Thứ ba, 27/6/2023 06:42 (GMT+7)

OPEC dự báo nhu cầu dầu tăng mạnh trong 20 năm nữa, và dầu vẫn là nhiên liệu không thể thay thế trong tương lai gần. Điều này trái ngược với dự báo trước đó của IEA.

Nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo sẽ vọt lên 110 triệu thùng/ngày trong khoảng 20 năm nữa. Ảnh: Reuters.

Theo báo cáo mới được OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) công bố hôm 26/6, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ vọt lên 110 triệu thùng/ngày trong khoảng 20 năm nữa, đẩy nhu cầu năng lượng của thế giới tăng 23%.

"Dầu mỏ là thứ không thể thay thế trong tương lai gần", ông Haitham Al Ghais - Tổng thư ký OPEC nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc hội nghị Năng lượng Châu Á, được tổ chức ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.

Không thể thay thế

"Chúng tôi nhận thấy nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng lên 110 triệu thùng/ngày vào năm 2045", ông cho biết. Vị lãnh đạo OPEC tin rằng dầu vẫn chiếm khoảng 29% hỗn hợp năng lượng.

Dự báo của OPEC trái ngược với báo cáo cách đây không lâu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Cơ quan này tin rằng tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu gần như sẽ ngừng lại trong những năm tới và đạt đỉnh ngay ở thập kỷ này.

Dầu mỏ là thứ không thể thay thế trong tương lai gần

Ông Haitham Al Ghais - Tổng thư ký OPEC

"Việc chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch đang tăng tốc. Nhu cầu dầu toàn cầu có thể đạt đỉnh trong thập kỷ này nhờ xe điện, sử dụng nhiên liệu hiệu quả và các công nghệ phát triển khác", CNBC dẫn lời ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành IEA - nhận định.

IEA dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 6% so với năm 2022 lên 105,7 triệu thùng/ngày vào năm 2028 nhờ sự phục hồi của ngành hàng không và lĩnh vực hóa dầu.

Nhưng tăng trưởng nhu cầu dầu dự kiến giảm từ 2,4 triệu thùng/ngày trong năm nay xuống 400.000 thùng/ngày vào năm 2028. "Sự suy yếu của các nền kinh tế lớn khiến triển vọng toàn cầu phụ thuộc nhiều hơn vào đà phục hồi của Trung Quốc sau đại dịch, vốn sẽ thúc đẩy thương mại và sản xuất toàn cầu", báo cáo nhận định.

Nhu cầu của Trung Quốc được dự báo đạt đỉnh vào giữa năm nay với mức tăng 1,5 triệu thùng/ngày, nhưng tốc độ tăng trưởng dự kiến giảm về 290.000 thùng/ngày từ năm 2024 đến năm 2028.

"Sự thay đổi chưa từng thấy đối với dòng chảy thương mại toàn cầu, việc giải phóng kho dự trữ xăng dầu chiến lược của các thành viên IEA vào năm ngoái đã làm đầy kho dự trữ của ngành, giải tỏa căng thẳng trên thị trường trong bối cảnh nhu cầu tăng cao", IEA bình luận.

Nỗ lực của OPEC

Nhưng theo Tổng thư ký OPEC, tình trạng đầu tư dưới mức cần thiết sẽ thách thức các hệ thống năng lượng hiện nay và dẫn đến "sự hỗn loạn trên thị trường năng lượng".

Theo dự đoán của ông Al Ghais, từ giờ đến năm 2030, nửa triệu người trên thế giới sẽ chuyển đến các thành phố để sinh sống trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục mở rộng. "Và thế giới cần nhiều dầu hơn, thay vì ít đi", ông lập luận.

Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 thập kỷ là 2,2%/năm từ nay đến năm 2030. Con số này 2,6% trong giai đoạn năm 2011-2021.

Rõ ràng dầu vẫn là một phần không thể thiếu trong hỗn hợp năng lượng

Ông Haitham Al Ghais - Tổng thư ký OPEC

Ông Al Ghais thừa nhận rằng năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò lớn hơn trong tương lai, và một số thành viên OPEC "đã đầu tư đáng kể" vào lĩnh vực này.

Nhưng nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng 23% từ giờ đến năm 2045. "Rõ ràng dầu vẫn là một phần không thể thiếu trong hỗn hợp năng lượng", ông nhận định.

Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 27/6, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu đã tăng 1,13% trong vòng 24 giờ qua lên 74,698 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI (Mỹ) đang ở sát ngưỡng 70 USD/thùng.

Các nước thành viên OPEC+ (OPEC và đồng minh) vẫn đang nỗ lực giữ giá dầu ở mức cao bất chấp nguy cơ suy thoái của những nền kinh tế lớn trên toàn cầu. Hồi tháng 4, một số quốc gia bất ngờ tuyên bố cắt giảm tự nguyện thêm tổng cộng khoảng 1,16 triệu thùng dầu/ngày nhằm ổn định giá cả.

QC
Powered by mAds
Cùng danh mục
QC
Powered by mAds