Banner

23 năm không thể mở miệng nói chuyện, ăn uống

Thứ năm, 4/4/2024 15:00 (GMT+7)

Suốt 23 năm, chị Trần Thị Thu Thủy (47 tuổi, TP.HCM) không thể há miệng để nhai hay nói. Thức ăn nuôi cơ thể được đẩy vào miệng qua khe hở của chiếc răng cửa bị gãy.

Chị Trần Thị Thu Thủy nhớ như in ký ức kinh hoàng vào ngày 8/3/2000. Thời điểm đó, vì vừa sảy thai, chị hơ than trong phòng tắm cho ấm người.

Nhưng vì căn phòng quá kín, chị hít nhiều khí độc và ngất xỉu, cả khuôn mặt áp vào lò than nóng rực. Khi người nhà phát hiện và đưa đi cấp cứu, chị đã bỏng nặng vùng mặt - cổ bên trái. Lúc này, tấn bi kịch của cuộc đời chị bắt đầu.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau

Từ lúc gặp nạn, chị Thủy trải qua hơn 20 ca phẫu thuật lớn nhỏ từ mổ tạo hình, lấy nhãn cầu bên mắt trái đến mổ để loại bỏ và cắt lọc mô viêm khi xương hàm mặt bên trái dần hoại tử…

Theo thời gian, vùng mặt bên trái chị Thủy bị co rút, dính khớp thái dương hàm hai bên nên không thể há miệng

Sau phẫu thuật, chị Thủy gần như mất hết xương vùng mặt bên trái, cả xương hàm dưới bên trái và bàn tay bên trái cũng bị cắt bỏ. Theo thời gian, các cơ trên mặt co rút khiến chị không thể há được miệng.

Từ một người phụ nữ ở tuổi đôi mươi hoạt bát, chị Thủy trở nên mặc cảm về ngoại hình lẫn bệnh tình. Thậm chí, chị nhốt mình trong nhà 5 năm “vì hễ ngoài đường trẻ con nhìn thấy là khóc, người lớn thì xì xào to nhỏ”.

Nhớ lại những tháng ngày khổ sở của vợ, anh Minh - chồng chị Thủy - chưa hết đau lòng.

“Cơm thì lấy muỗng nhỏ đút, thịt thì dùng tay đẩy vào miệng qua khe hở của chiếc răng cửa bị gãy. Vợ tôi không nhai được, chỉ nuốt trộng, khi muốn nói gì phải gồng lên mới thành tiếng, tôi thương lắm”, anh chia sẻ.

Những cơn đau buốt “tận óc”

Gom hết tiền tiết kiệm cộng thêm chi phí từ sự giúp đỡ của anh chị em, vợ chồng chị Thủy đi nhiều bệnh viện từ Bắc đến Nam, mang theo niềm hy vọng chữa dứt điểm căn bệnh cứng khít hàm. Điều khiến chị thất vọng là các bác sĩ chưa thể đưa ra kế hoạch điều trị cụ thể.

Anh Minh - chồng chị Thủy - xúc động khi chia sẻ về hoàn cảnh của vợ.

Vì không thể vệ sinh khoang miệng sạch sẽ, chị Thủy thường xuyên bị đau và nhiễm trùng răng. Vào tháng 12/2023, vì tình trạng trở nên trầm trọng, chị tiếp tục tìm bệnh viện chạy chữa.

Dù tìm được bệnh viện, thậm chí đã nằm lên bàn mổ, ca phẫu thuật của chị vẫn bị huỷ phút chót do không thể tiến hành gây mê nội khí quản. Cơn đau “buốt tận óc” hành hạ thể xác lẫn tinh thần chị. Hai vợ chồng lại tiếp tục khăn gói lên đường tìm nơi tiếp nhận điều trị.

Theo lời giới thiệu của người thân, anh Minh đưa vợ đến Bệnh viện FV. Sau khi được TS.BS Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng khoa Nha và Phẫu thuật Hàm mặt - thăm khám và mời thêm chuyên gia hội chẩn, hai vợ chồng vui mừng vì các bác sĩ đồng ý lên phương án phẫu thuật.

TS.BS Nguyễn Thanh Tùng phụ trách ê-kíp điều trị cho chị Thuỷ.

TS.BS Nguyễn Thanh Tùng cho biết trường hợp của chị Thủy là ca khó, phải có sự kết hợp liên chuyên khoa từ gây mê nội soi, phẫu thuật tạo hình đến chuyên khoa dinh dưỡng.

“Ca phẫu thuật cần trải qua bốn bước. Đầu tiên là cắt tạo hình khớp cách khoảng vùng khớp thái dương hàm hai bên để giải phóng vùng khớp bị dính, sau đó tiến hành chèn vạt cơ thái dương để hạn chế lùi hàm dưới sau cắt tạo hình khớp và hạn chế dính khớp tái phát. Tiếp theo, bác sĩ cần đục và cắt giải phóng cầu xương nối liền hàm trên với hàm dưới ở bên trái. Kế đến, ê kíp sẽ cắt sửa sẹo, giải phóng sẹo co kéo vùng má, mặt, cổ bên trái. Bước cuối cùng là điều trị răng miệng như nhổ răng bị đau…”, bác sĩ Tùng phân tích.

Để phẫu thuật thì cần gây mê, tuy nhiên với trường hợp của chị Thủy, gây mê là thách thức không nhỏ. Vì bệnh nhân không mở được miệng, các bác sĩ tiến hành gây mê gặp nhiều khó khăn do không thể nhìn thấy ống nội khí quản qua đường miệng.

“Chúng tôi mời BS Ngô Văn Huy - khoa Tiêu hóa và Gan mật, có chuyên môn cao về lĩnh vực nội soi, hỗ trợ thực hiện nội soi dẫn đường để đặt ống gây mê qua đường mũi”, bác sĩ Lý Quốc Thịnh - Trưởng khoa Gây mê Hồi sức - cho biết.

Trải qua hơn 6 giờ trong phòng mổ, ca phẫu thuật tách khớp hàm cho chị Thủy thành công trong niềm vui của cả ê kíp, gia đình và bệnh nhân.

Đón cuộc đời mới sau lần đại phẫu

Tháo băng sau ca mổ, chị Thủy xúc động trào nước mắt. Đây lần đầu tiên sau hơn 20 năm chị có thể mở miệng trở lại.

Khi được hỏi “điều muốn làm khi trở về nhà”, chị mỉm cười: “Tôi muốn được ăn món gì đó thật ngon”. Thế rồi chị hồ hởi kể về niềm vui giản dị khi có thể nhai, nuốt bình thường, tận hưởng mùi vị của món ăn trên đầu lưỡi - điều mà hơn 20 năm qua chị không thể cảm nhận.

Chị Thủy mở miệng trò chuyện với bác sĩ sau ca mổ.

Nhìn nụ cười hiện diện trên khuôn mặt của người phụ nữ sau 23 năm, đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện FV và cả người thân của chị Thủy cũng cảm nhận niềm vui khó tả.

“Mổ xong, tôi thấy mình như sống lại cuộc đời thứ hai”, chị Thủy bộc bạch trước khi xuất viện.

QC
Powered by mAds
Cùng danh mục
QC
Powered by mAds