Banner

Bụng bia, tổn thương thận khi nhậu liên miên ngày Tết

Thứ năm, 8/2/2024 19:02 (GMT+7)

Nâng cốc bia chung vui là điều thường thấy trong mỗi dịp Tết. Song, cần chú ý đến lượng bia tiêu thụ tránh sau những ngày vui là "tiền mất, tật mang".

Uống bia liên tục trong dịp Tết nếu không chú ý có thể phải chịu hậu quả về sức khỏe khi những ngày lễ trôi qua. Ảnh: Guardian.

Bia là thức uống thường xuất hiện trong các buổi tiệc hay gặp mặt vào dịp Tết. Tần suất các buổi tiệc liên tục đôi khi khiến việc kiểm soát trước những lời mời nâng ly không dễ dàng. Song, uống quá nhiều bia trong dịp Tết có thể để lại những ảnh hưởng khi trở lại cuộc sống thường nhật.

Với lượng cồn trong khoảng 5-12%, bia được cho là ít gây hại hơn các loại thức uống có cồn mạnh khác. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng uống bia có thể giảm đau và giảm nguy cơ tim mạch. Tuy nhiên, là đồ uống có cồn thì việc tiêu thụ quá liều cũng sẽ tăng khả năng gặp các vấn đề sức khỏe.

“Bụng bia” xuất hiện

Bia có hàm lượng cồn thấp nhưng lại chứa lượng calo cực cao. Một ly bia chứa khoảng 150 calo và khi nồng độ cồn cao cũng tỷ lệ thuận với lượng calo. Mọi người thường uống nhiều hơn một chai bia trong những buổi tụ tập, điều này khiến lượng calo nạp vào tăng cao.

Calo trong cồn sẽ khác so với calo nhận từ thức ăn. Lượng calo này tích tụ ở phần giữa bụng và dẫn đến bụng bia. Mỡ tích tụ ở bụng là nguy hiểm nhất và khó cắt giảm. Để giảm nguy cơ bụng bia, nên chọn những loại bia ít calo và chỉ nên uống ít trong một lần.

Nguy hiểm cho tim mạch

Một số nghiên cứu chỉ ra uống bia ở mức vừa phải có thể tốt cho sức khỏe tim mạch, nhưng uống quá giới hạn sẽ là điều ngược lại. Uống bia rượu liên tục trong ngày Tết có thể làm tổn thương cơ tim, tăng nguy cơ đột quỵ, huyết áp cao, tiểu đường type 2 và rung tâm nhĩ.

Tổn thương thận

Mức tiêu thụ bia thông thường là 2 chai/ngày với nam và một chai/ngày với nữ. Uống nhiều hơn mức này có thể mang đến hậu quả. Uống bia có nồng độ cồn cao gây nguy cơ bị cao huyết áp và mắc các bệnh về thận.

Bia có tác dụng lợi tiểu và sẽ khiến thận hoạt động căng thẳng. Nó cũng có thể dẫn đến mất nước, về lâu dài có thể gây tổn thương thận, dẫn đến sỏi thận hoặc suy thận.

Thiếu hụt vitamin

Uống bia thường xuyên có thể làm tăng nhu cầu hấp thụ một số vitamin và khoáng chất trong cơ thể. Khi những nhu cầu này không được đáp ứng, nó sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.

Để chuyển hóa rượu, cơ thể con người cần thêm một số chất dinh dưỡng như một số vitamin B. Chất dinh dưỡng có thể nhận được từ chế độ ăn uống hàng ngày, nhưng khi uống nhiều bia, cơ thể sẽ phải hoạt động nhiều hơn để hấp thụ đủ dinh dưỡng cần thiết.

Về lâu dài, điều này có thể dẫn đến thiếu hụt vitamin và thậm chí có thể làm rối loạn chức năng bên trong cơ thể.

Ảnh hưởng đến giấc ngủ

Kết quả của một số nghiên cứu cho thấy uống bia có thể giúp nhanh đi vào giấc ngủ, nhưng ngủ không sâu. Điều này dẫn đến buồn ngủ ban ngày, kém tập trung và mệt mỏi. Trên thực tế, cồn có thể làm rối loạn cả giấc ngủ và tâm trạng. Một số người thậm chí còn bị mất ngủ vào ban đêm do uống quá nhiều bia rượu.

QC
Powered by mAds
Cùng danh mục
QC
Powered by mAds