Banner

Căn bệnh tàn phá sức khỏe Châu Hải My

Thứ năm, 14/12/2023 07:01 (GMT+7)

Diễn viên Châu Hải My qua đời ở tuổi 57 trong sự tiếc thương của người hâm mộ. Cô đã nhiều năm chịu đựng với bệnh lupus ban đỏ.

Châu Hải My qua đời ngày 11/12 do mắc lupus ban đỏ lâu năm. Ảnh: Sohu.

Châu Hải My đột ngột qua đời ở tuổi 57 sau khi nhập viện cấp cứu. Theo nguồn tin từ giới giải trí Hoa ngữ, cô mất vì di chứng của căn bệnh Lupus ban đỏ.

Nhiều năm qua, minh tinh sinh năm 1966 chống chọi với căn bệnh nhưng giấu người thân.

Nguyên nhân gây bệnh

Theo bác sĩ Lê Thị Lan Thủy, Trung tâm Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), lupus ban đỏ là bệnh tự miễn với đặc điểm lâm sàng đa dạng, có thể ảnh hưởng tới tất cả cơ quan trong cơ thể.

Bệnh hay gặp ở nữ, có thể do ảnh hưởng bởi hormone estrogen. 65% người bệnh lupus nằm trong độ tuổi 16-55. Ngoài ra, bệnh vẫn có thể gặp ở cả trẻ em và người già.

Hàng năm, thế giới ghi nhận hàng nghìn người mắc lupus ban đỏ với tỷ lệ dao động 1-150 người/100.000 người, phụ thuộc vào địa lý và chủng tộc.

Theo bác sĩ Thủy, cho đến nay, thế giới vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra lupus ban đỏ. Nhiều nhà quan sát cho rằng nguyên nhân là gene, hormone, miễn dịch và yếu tố môi trường.

Theo đó, anh chị em ruột của các bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người thường. Người bệnh cũng có thể thường xuyên sống trong môi trường virus, vi khuẩn, tia UV, bụi, thuốc, thuốc lá...

Ngoài ra, bệnh gặp chủ yếu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh nở (nữ nhiều gấp 9 lần nam). Lupus ban đỏ thường tăng nặng trong thời kỳ mang thai và giảm rõ rệt khi người bệnh bước vào giai đoạn tiền mãn kinh.

Nguy cơ tử vong cao

Các triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ sau nhiều tháng, nhiều năm.

Do ảnh hưởng đến hầu hết cơ quan trong cơ thể nên triệu chứng của bệnh rất phong phú, đa dạng và thường nặng lên vào các tháng mùa đông. Điều này là hậu quả của sự tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời trong thời gian mùa hè trước đó.

Theo bác sĩ Thủy, hơn 90% bệnh nhân lupus ban đỏ đi khám có các biểu hiện không đặc hiệu như sút cân, mệt mỏi, sốt nhẹ, rụng tóc từng mảng, viêm loét miệng, mũi, đau các khớp nhỏ, đau mỏi cơ, rối loạn kinh nguyệt.

Khoảng 75% bệnh nhân xuất hiện ban đỏ bất thường trên da, trong đó hay gặp nhất là ban cánh bướm ở mặt.

Ban cánh bướm xuất hiện trên mặt bệnh nhân lupus ban đỏ. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai.

Những tổn thương nội tạng như ở tim (tràn dịch màng tim, viêm cơ tim), phổi (tràn dịch màng phổi, viêm phổi), thận (viêm cầu thận), hệ thần kinh (co giật, rối loạn tâm thần), hệ tạo máu (thiếu máu, xuất huyết) thường xuất hiện trong giai đoạn toàn phát của bệnh ở khoảng 50-85% bệnh nhân.

Trong giai đoạn đầu bị lupus ban đỏ, các triệu chứng thường mơ hồ và giống với nhiều bệnh lý khác nên một số trường hợp có thể mất tới vài năm để chẩn đoán chính xác.

Bệnh nhân lupus ban đỏ có nguy cơ tử vong cao hơn 2-4 lần so với dân số chung. Nguyên nhân chính gây tử vong trong vài năm đầu tiên thường là bệnh hoạt động (tổn thương thần kinh trung ương, tổn thương thận) hoặc nhiễm trùng do suy giảm miễn dịch.

Nguyên nhân tử vong muộn hơn thường liên quan tới các biến chứng của lupus ban đỏ, bệnh tim mạch, tác dụng phụ của thuốc điều trị.

Làm gì khi bị lupus ban đỏ?

Các bệnh nhân bị lupus ban đỏ cần có một cuộc sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý, ngừng thuốc lá và tiêm chủng thích hợp.

Những người này cũng nên tránh tiếp xúc tối đa với ánh nắng mặt trời, do tia UV có thể khiến bệnh khởi phát hoặc nặng hơn. Bên cạnh đó, người bệnh cần tuân thủ điều trị, khám lại, tuyệt đối không tự ngừng thuốc.

Mọi người cũng cần đi khám sức khỏe định kỳ, hoặc khi có các dấu hiệu nghi ngờ để phát hiện sớm bệnh và được điều trị kịp thời.

Ngoài ra, theo TS.BS Hoàng Thị Diễm Thúy, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), bệnh nhân lupus ban đỏ cần tránh lao động gắng sức hoặc sang chấn tâm lý. Những yếu tố này đều có thể kích hoạt bệnh.

Bệnh nhân cũng cần đặc biệt chú ý nếu muốn ăn các hải sản lạ (tôm hùm, cá lạ, cua, ốc lạ...), thịt đỏ và động vật lạ. Những thực phẩm này có thể gây khởi phát hiện tượng viêm hoặc tái phát bệnh sau khi ăn.

Người bệnh nên ăn nhiều rau lá xanh đậm, bí xanh, mướp, trái cây không quá ngọt và tăng cường thức uống có canxi và vitamin D.

Theo tiến sĩ Thúy, người bệnh lupus ban đỏ có nguy cơ cao mắc bệnh xơ vữa động mạch, ngay cả ở trẻ em. Do đó, nhóm người này tránh ăn các thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn, thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, thịt mỡ.

Người bệnh lupus ban đỏ cũng nên bổ sung đủ nước hàng ngày để đào thải chất độc ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, nếu có tổn thương thận, bệnh nhân cần hỏi kỹ bác sĩ về lượng nước có thể uống trong ngày.

QC
Powered by mAds
Cùng danh mục
QC
Powered by mAds