Banner

Chuyện gì xảy ra khi chỉ uống bia mà không ăn uống?

Chủ nhật, 21/1/2024 09:25 (GMT+7)

Một người uống rượu bia trong tình trạng "chiếc bụng đói" có thể nhanh say hơn, cũng như tăng nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe.

Uống rượu bia với "chiếc bụng đói" có thể khiến bạn gặp nguy hiểm khi lượng cồn được hấp thụ nhanh hơn bình thường. Ảnh: Pexels.

Một số người uống rượu bia khi bụng đói. Điều này có thể do họ chưa có thời gian để ăn trước khi uống rượu. Lại có người tin rằng uống rượu khi bụng đói không gây thêm rủi ro nào liên quan đến rượu.

Trong thực tế, uống nhiều rượu trong thời gian ngắn, đặc biệt khi bụng đói, có thể nguy hiểm và thậm chí gây tử vong.

Ở hầu hết trường hợp, uống rượu khi bụng đói chỉ gây ra những tác dụng phụ khó chịu như hangover (di chứng thường gặp sau cơn say). Ăn trước khi uống rượu và uống vừa phải được cho là có thể giảm ảnh hưởng của rượu lên cơ thể và giảm nguy cơ gây ra phản ứng xấu.

Cơ thể hấp thụ rượu nhanh hơn khi đói

Khi một người uống rượu bia, lượng cồn sẽ đi qua dạ dày, ruột, sau đó đi vào máu. Khi đó, lượng cồn tiêu thụ sẽ tiếp cận các mô và chất lỏng trong cơ thể. Quá trình này diễn ra nhanh hơn nhiều so với tốc độ cơ thể chuyển hóa hoặc đào thải cồn, theo Medical News Today.

Viện Quốc gia về Lạm dụng rượu và Nghiện rượu Mỹ (NIAAA) cho biết uống rượu khi bụng đói sẽ làm tăng tốc độ hấp thụ cồn vào máu. Điều này là do dạ dày và ruột không phải hấp thụ và tiêu hóa thức ăn mà chỉ tập trung xử lý cồn. Vì vậy, nồng độ cồn trong cơ thể càng nhanh đạt đến mức không an toàn.

Máu sẽ đưa rượu đến các cơ quan như gan, thận, não, phổi và da. Uống rượu lúc đói bụng sẽ tăng thêm ảnh hưởng của tác dụng phụ khi uống rượu, như chóng mặt, não xử lý chậm, đau dạ dày.

Mỗi người có "tửu lượng" khác nhau. Phụ nữ, người trẻ và người có kích thước cơ thể nhỏ thường hấp thụ cồn nhanh hơn đàn ông, người lớn tuổi và có kích thước cơ thể lớn. Tình trạng của gan cũng ảnh hưởng đến tốc độ hấp thụ rượu, theo Healthline.

Theo đánh giá vào năm 2022, nhiều cơ quan chính phủ và công ty rượu khuyến nghị nên ăn trong lúc uống rượu. Tuy nhiên, một số người cho rằng việc này có thể khuyến khích tiêu thụ rượu trong thời gian dài.

Các bác sĩ cũng chưa đưa ra nhiều bằng chứng thuyết phục về các rủi ro cụ thể đến từ việc uống rượu bia khi bụng đói, ngoài việc xuất hiện các triệu chứng khi say nhanh hơn.

Ăn kỹ, uống chậm có thể giúp kéo dài thời gian tỉnh táo trên bàn tiệc. Ảnh: DFA.

Lưu ý khi uống rượu bia lúc bụng đói

Trong trường hợp phải uống rượu bia trước khi ăn, hãy chọn những loại có độ cồn thấp, kết hợp với nước và các đồ uống không cồn khác, uống từng ngụm nhỏ, kết hợp với uống nước để lượng cồn được pha loãng trong quá trình hấp thụ.

Tuy nhiên, tác dụng vẫn rất hạn chế và không ảnh hưởng nhiều đến tốc độ hấp thụ rượu. Lý tưởng nhất vẫn là ăn trước khi uống rượu bia. Cần ăn trước ít nhất một giờ trước khi uống nếu xác định sẽ uống nhiều trong bữa tiệc.

Không nên uống nhiều hơn một ly tiêu chuẩn trong một giờ và nên biết khả năng của bản thân. Ly tiêu chuẩn bao gồm 14 gram cồn nguyên chất, tương đương 350 ml bia 5 độ, 150 ml rượu vang 12 độ, 45 ml rượu chưng cất 40 độ. Đây là thời gian gan có thể xử lý lượng cồn tương đương được hấp thụ.

Nếu uống rượu lúc bụng đói và bắt đầu cảm thấy đau dạ dày, buồn nôn hoặc nôn mửa, cần phải dừng uống và nói cho người khác về tình trạng sức khỏe.

Triệu chứng này xuất hiện có thể là do uống quá nhiều hoặc quá nhanh. Bắt đầu uống nhiều nước hoặc ăn thực phẩm dễ tiêu hóa, nhiều carbohydrate như bánh mì.

Tuy nhiên, những triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu của ngộ độc rượu, vốn đe dọa đến tính mạng. Khi nghi ngờ bị ngộ độc rượu, cần lập tức gọi cấp cứu hoặc đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu không được điều trị nhanh chóng, ngộ độc rượu có thể dẫn đến hôn mê, tổn thương não hoặc thậm chí tử vong.

QC
Powered by mAds
Cùng danh mục
QC
Powered by mAds