Banner

Có nên cho trẻ sơ sinh bơi thủy liệu?

Thứ hai, 3/7/2023 07:01 (GMT+7)

Ở gia đoạn mới vài tháng tuổi, trẻ chỉ nên ngâm bồn hoặc tham gia các lớp học dưới nước cùng bố mẹ để làm quen với môi trường nước.

Bơi thủy liệu (floating baby) là trào lưu được nhiều gia đình lựa chọn hiện nay.

Để theo đuổi phương pháp này, trẻ cần được đưa đến trung tâm trị liệu, đeo phao quanh cổ và thả trôi tự nhiên trong bồn nước có tinh dầu và dòng nước nhân tạo.

Theo quảng cáo của một số trung tâm, bơi thủy liệu giúp đánh thức khả năng bẩm sinh bơi lội từ khi bé còn trong bụng mẹ, giúp trẻ phát triển xúc giác, từ đó phát triển não bộ.

Ngoài ra, việc thả nổi trong khi bơi thủy liệu cũng thúc đẩy tiêu hóa, tuần hoàn, hô hấp và xương khớp của trẻ, giúp giải quyết một số vấn đề tiêu hóa, ăn ngon và phát triển chiều cao. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng trào lưu này vẫn còn nhiều tranh cãi.

Bơi thủy liệu được quảng cáo giúp trẻ sơ sinh phát triển tốt. Ảnh: Freepik.

Tranh cãi tác dụng của phao cổ

Trên Huffington Post, Hiệp hội Giáo viên dạy bơi Anh (STA) và Birthlight, một tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ sức khỏe bà bầu và gia đình trẻ, nhấn mạnh việc đeo phao cổ quá sớm cho trẻ nhỏ có thể gây hại cho sự phát triển thể chất, thần kinh và cảm xúc của bé.

Các tổ chức lo ngại phụ huynh đang bỏ tiền mua một thứ không có quá nhiều tác dụng, trong khi không tìm hiểu kỹ rủi ro.

Đồng tác giả của báo cáo Rủi ro tiềm ẩn của phao cổ nổi đối với trẻ sơ sinh, Shawn Tomlinson, giáo viên dạy bơi cho trẻ em của STA, nhận định vòng đeo cổ hạn chế chuyển động của trẻ ở dưới nước. Điều này đi ngược lại với quảng cáo của nhiều trung tâm rằng bơi thủy liệu giúp trẻ thoải mái vùng vẫy, phát triển giác quan.

Francoise Freedman, người sáng lập Birthlight, lo ngại đốt sống cổ trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ dưới 5 tháng tuổi, khi được thả trôi trong nước với cái đầu được cố định bởi phao cổ sẽ bị chèn ép, dẫn đến căng dây chằng và cơ bắp.

Ngoài ra, theo Freedman, trẻ trên 3 tháng tuổi tập bơi bằng phao cổ cũng có thể cản trở các đường dẫn truyền thần kinh liên quan phản xạ ngồi tự nhiên, từ đó làm chậm quá trình phát triển của trẻ.

Ngoài ra, STA cũng cho rằng việc ngâm mình dưới nước cũng không giúp trẻ thư giãn về thể chất và tinh thần như người lớn.

"Bơi thủy liệu hoàn toàn đi ngược lại bản chất của việc bơi lội dành cho trẻ nhỏ. Việc thả trôi con bạn với cái phao cố định ở cổ khiến bé không có điều kiện vui chơi trong nước thoải mái và vui vẻ", Kayle Burgham, đại diện quản lý và phát triển các hoạt động dưới nước cho trẻ sơ sinh của STA, cho hay.

Cả STA và Birthlight đều đồng ý bơi thủy liệu không nên áp dụng quá thường xuyên với trẻ sơ sinh nếu phụ huynh không được trang bị những kiến thức cơ bản về phương pháp này.

Trẻ nên tập bơi từ khi nào?

Theo Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP), không có bằng chứng nào cho thấy trẻ học bơi từ giai đoạn sơ sinh có tác dụng tốt đối cho sự phát triển.

Trẻ ở độ tuổi này khi được đưa xuống nước có thể có một số động tác tương tự bơi. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trẻ biết bơi ngay từ khi mới chào đời.

Trong giai đoạn trẻ trước một tuổi, phụ huynh có thể đăng ký tham gia một số khóa học chơi dưới nước dành cho cha mẹ và con cái để giúp con làm quen môi trường nước.

Nếu muốn cho con học bơi trước một tuổi, phụ huynh có thể tham khảo một số lớp học cho phép bố mẹ và con tương tác cùng nhau. Ảnh: Freepik.

Việc học bơi chỉ phù hợp với những trẻ từ một tuổi trở lên. Trong giai đoạn trẻ 1-4 tuổi, phụ huynh có thể đăng ký các lớp học bơi cho bố mẹ và trẻ.

Những lớp học này dạy trẻ một số kỹ năng đảm bảo an toàn dưới nước và kỹ thuật giúp con làm quen dần với môi trường nước.

Khi lên 4 tuổi, hầu hết trẻ đều đã phát triển đủ để học bơi. Ở độ tuổi này, trẻ có thể học các kỹ năng sinh tồn cơ bản dưới nước như nổi, đạp nước và tìm điểm thoát hiểm. Đến 5 hoặc 6 tuổi, hầu hết trẻ được học bơi trước đó đều có thể trườn về phía trước thành thạo.

Ngoài ra, khi chọn các khóa học bơi, bố mẹ cũng cần lưu ý một số điểm sau:

  • Giáo viên có kinh nghiệm, trình độ, bể bơi luôn có nhân viên cứu hộ túc trực, được đào tạo về hô hấp nhân tạo và sơ cứu.
  • Có các bài học về an toàn ở xung quanh bể và trong khi bơi.
  • Có bài học về an toàn dưới nước trong trường hợp khẩn cấp, phải làm gì và làm thế nào để được trợ giúp nếu trẻ hoặc người khác bất ngờ rơi xuống nước.
  • Nhiều buổi học, qua đó, trẻ có thể tập luyện thêm những kỹ năng được học.
QC
Powered by mAds
Cùng danh mục
QC
Powered by mAds