Banner

Dấu hiệu cảnh báo bị nhiễm giun kim

Thứ sáu, 7/7/2023 12:50 (GMT+7)

Thực tế, nhiều người bị nhiễm giun kim nhưng lại không có triệu chứng. Dấu hiệu hay gặp và quan trọng nhất là ngứa vùng hậu môn.

Giun kim là loại giun nhỏ có thể sống trong ruột người. Chúng là nguyên nhân phổ biến nhất trong các bệnh nhiễm giun ở người. Nhiễm giun kim thường ảnh hưởng đến trẻ em trong độ tuổi đi học.

Theo TS.BS Nguyễn Trang Thúy, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, những người bị mắc giun kim có thể bị ngứa dữ dội quanh hậu môn. Bởi những con giun cái đẻ trứng trong các nếp gấp của da xung quanh hậu môn.

Người mắc giun kim khi họ nuốt phải trứng của chúng. Điều này có thể xảy ra khi người bị nhiễm giun kim gãi hậu môn hoặc chạm vào những vật người khác có thể chạm phải và để lại trứng giun. Sau đó, người chạm vào trứng giun kim và đưa tay lên miệng, do đó, họ có thể nuốt trứng mà không biết.

Triệu chứng của giun kim

TS Thúy cho biết nhiều người bị giun kim không có bất kỳ triệu chứng nào. Triệu chứng phổ biến nhất là ngứa xung quanh hậu môn. Ngứa xảy ra thường xuyên vào ban đêm và có thể gây khó ngủ. Một số người bị nhiễm giun kim nặng cũng có thể bị đau bụng, buồn nôn và nôn.

"Nếu bị ngứa dữ dội xung quanh hậu môn, đặc biệt là vào ban đêm, bạn nên đi khám. Sau khi biết về các triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định làm test 'băng dính'. Thử nghiệm là lấy một miếng băng dính và ấn nó lên vùng da xung quanh hậu môn. Nếu bạn bị giun kim, trứng sẽ dính vào băng dính. Bác sĩ soi băng dính dưới kính hiển vi để xem có trứng giun kim trên băng hay không", TS Thúy nói.

Nhiều người bị nhiễm giun kim nhưng lại không có triệu chứng. Ảnh: Cairnstotalphysio.

Điều trị giun kim

Giun kim được điều trị bằng thuốc tẩy giun. Những người được điều trị thường uống thuốc tẩy ngay lần đầu tiên phát hiện ra mình bị nhiễm giun kim. Họ cần uống thêm một viên thuốc nữa sau 2 tuần tiếp theo.

Ngoài ra, nếu bạn bị giun kim, bác sĩ sẽ khuyên tất cả người sống cùng dùng thuốc tẩy. Điều này là do giun kim dễ dàng lây lan giữa những người trong cùng một nhà.

Đáng chú ý, ngay cả sau khi đã được điều trị, giun kim vẫn có thể bị nhiễm lại.

Nên làm gì khi mắc giun kim?

  • Cắt móng tay ngắn.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước.
  • Tắm vòi hoa sen hoặc bồn tắm mỗi ngày (vào buổi sáng là tốt nhất).
  • Giặt quần áo, khăn tắm và khăn trải giường thường xuyên.
  • Cố gắng không gãi quanh hậu môn hoặc giữa hai chân.

Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn lại bắt đầu bị ngứa xung quanh hậu môn.

QC
Powered by mAds
Cùng danh mục
QC
Powered by mAds