Banner

Điều gì xảy ra khi đi chân trần?

Thứ sáu, 29/3/2024 07:29 (GMT+7)

Nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn có thể xảy ra nếu bạn đi chân trần vào những vùng nước, bùn, cát bị ô nhiễm, đặc biệt khi có vết thương, bỏng ở chân.

Đi chân trần vào những vùng nước bẩn, bùn lầy hay cát có thể gặp nguy cơ nhiễm ký sinh trùng nguy hiểm. Ảnh minh họa: Cairnspost.

Đi chân trần là thói quen sinh hoạt khá phổ biến của người Việt, kể cả trong nhà, làm việc hay chơi thể thao. Thực tế, chân trần có thể cải thiện được dáng đi, đưa chúng ta về kiểu đi "tự nhiên" nhất. Điều này giúp mọi người kiểm soát vị trí chân tốt hơn và cải thiện khả năng giữ thăng bằng.

Tuy nhiên, việc đi chân trần lại tiềm ẩn nhiều mối nguy cơ cho sức khỏe, đặc biệt trong một số điều kiện, môi trường như nước nhiễm bẩn, bùn đất, đi trong cát bẩn hay chạy bộ, chơi thể thao.

Đi chân trần trong nước

Nước bẩn là môi trường thuận lợi để vi khuẩn cư ngụ, chỉ một vết thương nhỏ cũng đủ điều kiện để vi khuẩn tấn công, gây ra viêm cân mạc hoại tử. Đây là tình trạng nhiễm trùng ở các lớp sâu của da, tổ chức dưới da và lan tỏa xuống lớp cân cơ. Bệnh này tiến triển rất nhanh, nguy cơ cao, có thể gây tử vong.

Điển hình mới đây, một trường hợp 63 tuổi, ở Long An, bị viêm cân mạc hoại tử dẫn đến sốc nhiễm trùng, nhiễm độc nặng chỉ sau một ngày đi chân trần lội nước bẩn.

Rất may mắn là sau khi được cấp cứu, phẫu thuật cắt lọc, rửa dẫn lưu và tháo mủ tại bệnh viện ở Long An, bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Cẳng chân bị hoại tử của người đàn ông 63 tuổi ở Long An sau khi lội nước bẩn. Ảnh: BVCC.

Bùn đất

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), khi ngâm chân quá lâu trong bùn đất, bạn có nguy cơ mắc phải căn bệnh nguy hiểm là chứng bợt da chân.

Các triệu chứng của bệnh này bao gồm ngứa ran, đau, sưng tấy, da lạnh và có đốm, tê, cảm giác như kim châm hoặc nặng nề ở bàn chân. Sau đó, bàn chân có thể đỏ, khô và đau, dần hình thành mụn nước. Ở thể nặng, bàn chân có thể bị nhiễm trùng dẫn đến hoại tử.

Tại một số vùng ở Việt Nam, việc đi chân trần hay làm việc trong đất, cát, nước bẩn còn tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh Whitmore (tên gọi khác là bệnh Melioidosis) do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra.

Giẫm phải vật sắc nhọn

Khi bạn đi chân trần, nguy cơ giẫm phải vật sắc nhọn, gai hay đinh gỉ dễ xảy ra. Khi đó, vết thương dù nhỏ nhất, nếu không được vệ sinh sạch sẽ, có thể gây nhiễm uốn ván.

Đây là căn bệnh nghiêm trọng mắc phải do tiếp xúc với bào tử của vi khuẩn Clostridium tetani, sống trong đất, nước bọt, bụi và phân. Vi khuẩn này có thể xâm nhập vào cơ thể qua các vết cắt sâu, vết thương hoặc vết bỏng ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây co giật cơ.

Cát

Mùa hè đến là thời gian tuyệt vời để tận hưởng kỳ nghỉ trên những bãi cát vàng và vui chơi với những con sóng. Tuy nhiên, việc đi chân trần trên cát có thể làm tăng nguy cơ nhiễm phải một số loài ký sinh trùng tiềm ẩn trong cát bao gồm:

- Giun móc: Một số loài giun móc thường lây nhiễm cho mèo và chó và truyền sang người qua cát hoặc đất bị ô nhiễm. Do trứng của loài giun móc nằm lẫn trong đất cát, chúng có thể dễ dàng xâm nhập da người khi đi chân trần sau đó ký sinh ở lớp ngoài cùng của da.

Nhiều nguy cơ xảy ra khi bạn đi chân trần, nhất là trong môi trường đất, cát, nước bẩn. Ảnh minh họa: Unsplash.

- Tụ cầu vàng kháng methicillin - MRSA: Loài tụ cầu này thường có trong các bệnh viện nhưng cũng có thể được phát hiện trong môi trường tự nhiên, đặc biệt là trên các bãi biển. Chúng chủ yếu lây nhiễm ở bàn chân, móng chân, vết thương đang lành.

- Nấm: Các loại nấm gây nhiễm trùng da và móng tay thuộc nhóm có tên dermatophytes được tìm thấy trên các bãi biển. Chúng có thể lây lan và tiếp xúc trực tiếp với người và động vật, gây ra các loại nấm ngoài da.

- Giun tròn: Những bãi biển cho phép chó và các loại vật nuôi khác thường xuất hiện loại Toxocara canis - loại giun tròn ký sinh thường lây nhiễm qua răng nanh. Bạn thường bị nhiễm T.canis bằng cách vô tình nuốt phải đất bị nhiễm phân chó có chứa trứng của T.canis.

Chạy bộ, chơi thể thao

Khi chạy bộ không mang giày, bàn chân sẽ tiếp xúc trực tiếp với các chướng ngại vật trên đường nên dễ bị trầy xước, bong tróc hoặc vật sắc nhọn cắt vào gây chảy máu.

Bên cạnh đó, nếu đi chân trần trên các vỉa hè, bề mặt đường nhựa vào trời nóng cũng có thể gây bỏng nóng/lạnh lòng bàn chân và kéo theo các bệnh xương khớp.

Ngoài ra, chạy chân trần sẽ tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, nấm ngoài môi trường tiếp xúc với bàn chân. Nếu chẳng may va chạm các vật sắc nhọn tạo vết thương hở, chúng sẽ thâm nhập và gây nhiễm trùng.

QC
Powered by mAds
Cùng danh mục
QC
Powered by mAds