Banner

Tiêm phòng thủy đậu rồi vẫn mắc bệnh?

Thứ năm, 28/3/2024 19:55 (GMT+7)

90% những người đã tiêm vaccine sẽ tránh hoàn toàn được căn bệnh này. 10% còn lại có thể bị mắc thủy đậu sau khi tiêm chủng.

Có trường hợp nào tiêm phòng thủy đậu rồi vẫn có thể mắc bệnh không, thưa bác sĩ?

Trung tâm Dịch vụ Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương

Bệnh thủy đậu do virus Varicella Zoster gây ra, chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp, bằng các giọt nước nhỏ trong không khí bắn ra từ đường hô hấp của người bệnh; thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với đồ vật như quần áo, chăn gối có vấy bẩn các chất tiết của người bệnh.

Bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch khi các bọng nước bị vỡ. Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu có thể lây cho thai nhi qua nhau thai, gây nên tình trạng mắc thủy đậu bẩm sinh.

Bệnh có thể lây lan nhanh chóng và dễ trở thành dịch, việc phòng ngừa bệnh thủy đậu là rất quan trọng. Vì vậy, cần phòng ngừa bệnh thủy đậu một cách chủ động và có hiệu quả.

Hiện nay, đã có các vaccine phòng bệnh thủy đậu, tiêm phòng từ sớm khi trẻ được 9 tháng tuổi trở lên. Do đó, phụ huynh nên cho trẻ được tiêm phòng sớm, nhằm tránh lây nhiễm trong các đợt dịch bệnh thủy đậu.

Đối với bệnh thủy đậu tiêm vaccine là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất. 90% những người đã được chủng ngừa sẽ tránh hoàn toàn được căn bệnh này. 10% còn lại có thể bị mắc thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu (dưới 50 nốt) và thường không bị biến chứng.

Số liều vaccine tùy theo độ tuổi, có thể tiêm 1-2 liều. Phụ nữ tiêm vaccine ngừa thủy đậu trước thời gian dự kiến mang thai ít nhất 3 tháng để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.

QC
Powered by mAds
Cùng danh mục
QC
Powered by mAds