Banner

Nỗi đau của ngành giáo dục Nhật Bản

Thứ tư, 27/3/2024 05:48 (GMT+7)

Nhật Bản nhiều lần tìm cách nâng tỷ lệ lãnh đạo nữ ở trường học nhưng con số này vẫn rất thấp vì nhiều yếu tố cản trở.

Tỷ lệ giáo viên nữ làm lãnh đạo ở Nhật Bản vẫn còn rất thấp. Ảnh: University of Tokyo.

6h30 mỗi sáng, Phó hiệu trưởng Miyuki Kushida của trường Trung học Asaka Reimei ở tỉnh Fukushima (Nhật Bản) bắt đầu đi làm và mãi đến 19h30, cô mới trở về nhà.

Là phó hiệu trưởng, cô Kushida đảm nhận mọi công việc từ điều hành trường học, tư vấn cho giáo viên cho đến việc tiếp chuyện phụ huynh - những công việc khá nặng nhọc và áp lực.

Công việc nặng nề là vậy nhưng mức lương lại không phải lý do để cô Kushida trở thành phó hiệu trưởng. Năm 2021, khi đang làm việc ở trung tâm bình đẳng giới của tỉnh Fukushima, cô nộp đơn xin lên vị trí này với hy vọng thay đổi cục diện trường học - nơi chỉ có nam giới đảm nhận vai trò hiệu trưởng và phó hiệu trưởng.

Hiệu trưởng Yoshiko Kurokawa (trái) và Phó hiệu trưởng Miyuki Kushida (phải) là những lãnh đạo nữ hiếm hoi ở các trường học thuộc tỉnh Fukushima. Ảnh: Mainichi Shimbun.

Điều gì khiến nữ giới không thể làm lãnh đạo

Tại Nhật Bản, phụ nữ đảm nhận vị trí quản lý trường học thường rất hiếm và nhiều người cũng ngại làm vì sợ không có thời gian nuôi con và lo việc nhà.

"Chưa cần làm, chỉ cần nghĩ đến việc đảm nhận vị trí quản lý cũng khiến nhiều phụ nữ suy sụp", cô Kushida nói với Mainichi Shimbun.

Ngoài ra, cô Kushida cho biết giáo viên Nhật Bản có rất nhiều cơ hội tham gia hội thảo và chương trình đào tạo liên quan giảng dạy, nhưng họ lại không có cơ hội đảm nhận vai trò quản lý của một tổ chức.

Lý do là vai trò của một quản lý trường học thường rất nặng và vất vả. Công việc của giáo viên vốn đã nhiều áp lực, người làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng sẽ còn áp lực hơn.

Đây cũng là điều mà cô Miyuki Kushida lo ngại. Cô nói rằng nếu ngành giáo dục không giảm gánh nặng cho vai trò quản lý, số lượng hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là nữ sẽ không thể tăng lên. Hơn nữa, việc có con phải áp lực chăm sóc gia đình cũng là yếu tố "ngáng đường" thăng tiến của nhiều người.

Trong một nghiên cứu do giáo sư Mari Miura tại Đại học Sophia dẫn đầu thực hiện, Fukushima xếp thứ 46 trong số 47 tỉnh, thành của Nhật Bản về tỷ lệ nữ giới tham gia hoạt động giáo dục.

Từ tiểu học đến trung học, trong năm 2022, tỉnh này chỉ có 8,4% hiệu trưởng và 11,9% phó hiệu trưởng là nữ.

Trước tình trạng này, hội đồng giáo dục tỉnh đặt mục tiêu nâng tỷ lệ quản lý nữ lên 13% (đối với hiệu trưởng) và 15% (đối với phó hiệu trưởng) vào năm 2025.

Nói thêm về việc thiếu hụt quản lý nữ ở trường học, ông Toshiyuki Takahashi, Giám đốc bộ phận nhân sự của Hội đồng giáo dục tỉnh Fukushima, cho biết tỉnh này rất rộng nên nhiều giáo viên nữ ngại chuyển công tác xa nhà. Hơn nữa, họ cũng không có nhiều tấm gương nữ lãnh đạo để học hỏi và phấn đấu.

Theo đó, hội đồng giáo dục dự kiến tìm biện pháp để lãnh đạo nữ được công tác gần nhà hơn, đồng thời đăng các bảng tin giới thiệu tấm gương giáo viên nữ như một cách để động viên, khích lệ các cá nhân phấn đấu.

Rion Kawasaki (22 tuổi) và Momoka Emori (23 tuổi) thực hiện khảo sát về tình trạng thành kiến giới ở Nhật Bản. Ảnh: Mainichi Shimbun.

Thành kiến ngầm ở Nhật Bản

Theo Mainichi Shimbun, Nhật Bản cũng từng đặt mục tiêu ngành giáo dục phải có 30% lãnh đạo nữ trong năm 2020. Mục tiêu này được sửa đổi nhiều lần và trong năm 2020, chính phủ sửa thành mức 25% phó hiệu trưởng và 20% hiệu trưởng là nữ trong năm 2025.

Vào năm 2022, nước này ghi nhận khoảng 24% vị trí phó hiệu trưởng và 18,8% vị trí hiệu trưởng do nữ giới đảm nhận, nhưng khoảng cách giữa các tỉnh vẫn còn khá lớn.

Bàn về vấn đề này, các chuyên gia cho biết sự thiếu hụt quản lý nữ trong môi trường sư phạm có thể tác động đến cách suy nghĩ của trẻ.

Giáo sư giáo dục Ginko Kawano tại Đại học Kyushu nêu rằng rất có thể trẻ em sẽ nghĩ "việc lãnh đạo là do nam giới đảm nhận", từ đó dẫn đến tình trạng thành kiến vô thức (hay còn gọi là thành kiến ngầm).

Cũng theo giáo sư, Nhật Bản đang xảy ra tình trạng chức vụ càng cao thì tỷ lệ nữ giới càng thấp. Ở bậc tiểu học, giáo viên nữ chiếm 60%, nhưng tỷ lệ này giảm dần ở cấp THCS và THPT.

Bà cảnh báo nếu điều này không được cải thiện, xã hội sẽ hình thành những định kiến như "đàn ông không giỏi việc chăm sóc" và "phụ nữ không giỏi làm những nghiên cứu phức tạp".

Học sinh bị ảnh hưởng

Ở thời điểm hiện tại, định kiến giới ảnh hưởng đến sự nghiệp học tập của nhiều nữ sinh vùng nông thôn. Nhiều em ngần ngại với việc học và không dám thi vào những trường tốp đầu như Đại học Tokyo.

Để chứng minh điều này, hai sinh viên Đại học Tokyo là Rion Kawasaki (22 tuổi) và Momoka Emori (23 tuổi) đã thực hiện một khảo sát với hơn 3.700 học sinh ở các trường trung học trên khắp Nhật Bản vào năm 2023.

Khi được hỏi "Liệu bạn có thấy việc theo học đại học tốp đầu sẽ mang lại lợi ích trong tương lai hay không", nữ sinh vùng nông thông có xu hướng trả lời "Có" ít hơn nam sinh. Trong khi đó, tỷ lệ này ở thành phố lớn như Tokyo lại không có chênh lệch đáng kể.

Ngoài ra, khi được hỏi về nguy cơ thi lại nếu trượt đại học, nam sinh và nữ sinh ở khu vực Tokyo đều nhận được kỳ vọng từ cha mẹ như nhau. Trong khi đó, cha mẹ vùng nông thông mong con trai thi lại nhiều hơn, còn kỳ vọng đối với con gái lại rất thấp.

Kawasaki và các thành viên khác trong nhóm ước tính nữ sinh vùng nông thôn và cha mẹ các em thường có những thành kiến ngầm rất lớn, ví dụ như con gái phải ở lại quê hương sau khi tốt nghiệp cấp 3, con gái trượt đại học thì không nên thi lại...

Theo đó, nhóm sinh viên nghiên cứu cảnh báo nếu không thay đổi tình trạng này, khoảng cách về giới ở Nhật Bản sẽ còn nghiêm trọng hơn thời điểm hiện tại.

QC
Powered by mAds
Cùng danh mục
QC
Powered by mAds